Nghị quyết 52: 'Mở toang' cánh cửa cho nền kinh tế số

Nghị quyết 52/NQ-TW ra đời rất đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động, tích cực tham gia CMCN lần thứ tư.

Những “rào cản” cần vượt qua

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN mà nòng cốt là công nghệ số; làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực SXKD, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng – an ninh, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNTT, điện tử viễn thông,…

Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Việc xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số đã được triển khai bước đầu đạt kết quả tích cực.

Tuy vậy, theo đánh giá của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019), mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp; thể chế chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập; xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 20/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, ĐMST chưa được hình thành đồng bộ, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0.

Chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN lần thứ tư trong sản xuất và đời sống; Còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân, vấn đề quyền cá nhân khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử;

Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; KHCN và ĐMST chưa thực sự là động lực phát triển KTXH; hệ thống ĐMST quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận ứng dụng phát triển công nghệ số còn thấp; Kinh tế số có quy mô còn nhỏ, việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức và phức tạp.

Nghị quyết 52 – Trí tuệ và tầm nhìn…

Để bắt kịp cuộc CMCN 4.0 trong thời gian ngắn nhất, trước tiên phải vượt qua tư duy cũ, cách làm cũ. Cuộc CMCN 4.0 không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, quan trọng hơn là cuộc cách mạng về thể chế, yêu cầu về đổi mới tư duy quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, quản lý xã hội cho phù hợp.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, ngày 27/09/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW (Nghị quyết 52) về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Nghị quyết ra đời rất đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chủ động, tích cực tham gia CMCN lần thứ tư.

Đây là một Nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Trung ương Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận một cách tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi việc chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0, từ đó có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển KT-XH. Theo ông Nguyễn Văn Bình, trong số 4 quan điểm lớn được nêu trong Nghị quyết, đây là quan điểm bao trùm khái quát nhất. Các quan điểm còn lại làm rõ thêm những nội hàm của quan điểm này.

Chính quan điểm này cũng sẽ giúp đất nước ta giải tỏa tư tưởng đang tồn tại trong xã hội, tạo ra sự tự tin, vững vàng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức, chủ động tham gia cuộc cách mạng này.

“Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là quan trọng, nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và trên thế giới trong cuộc CMCN này lại có ý nghĩa quyết định.” – Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình nói.

Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình thăm quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra song song với Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0.

Không thể quản lý theo tư duy cũ

Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho việc tham gia CMCN lần thứ tư theo tinh thần của Nghị quyết 52; ban hành một số “thể chế thử nghiệm có kiểm soát” để khuyến khích phát triển các sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số.

Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ ban hành triển khai đề án chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình kế hoạch tham gia CMCN lần thứ tư; chỉ đạo xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, việc khuyến khích phát triển các sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số thực sự là một yêu cầu hết sức quan trọng.

“Phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá cuộc cách mạng này về bản chất là cuộc cách mạng về thể chế với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, đặc biệt là công nghệ số. Từ đó, làm cho khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế, đây chính là bản chất cách mạng của cuộc CMCN lần thứ tư”. – Trưởng Ban Kinh tế TW nhấn mạnh.

Điểm mới đáng chú ý là Bộ Chính trị đề nghị cần có cách tiếp cận mở và mạnh dạn cho thí điểm.

“Từ trước đến nay chúng ta vẫn có tư duy quản lý theo lối mòn, cái gì chưa quản lý được, hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm. Như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo?” – ông Nguyễn Văn Bình nói. “Không thể có CMCN 4.0 nếu chúng ta tiếp tục quản lý theo tư duy cũ. Chúng ta sẽ đứng lại trong khi cuộc CMCN 4.0 tràn qua, và chúng ta sẽ lại là người đến sau, bị bỏ lại phía sau.”

Quan điểm này có ý nghĩa hết sức to lớn, đòi hỏi các cấp phải có những thay đổi hết sức mạnh mẽ, phải có đầy đủ kiến thức để có thể nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của cuộc CMCN 4.0, nhưng cũng phải có bản lĩnh chính trị để dám thích ứng với nó, đồng thời lường được tiêu cực của cuộc cách mạng này có thể dẫn tới.

Để Việt Nam không bỏ lỡ cuộc CMCN lần này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng ngoài những nỗ lực tự thân, chúng ta cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế.

“Với tinh thần xác định nguồn lực bên trong là quyết định chiến lược cơ bản lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, Việt Nam mong muốn mở rộng và làm sâu sát hơn hợp tác KHCN với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ KHCN tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN lần thứ tư.” – Trưởng Ban Kinh tế TW nói.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nghi-quyet-52-mo-toang-canh-cua-cho-nen-kinh-te-so-post315324.info