Nghị quyết 19 năm 2018: Sức ép luôn nóng mới thúc đẩy hành động

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP năm nay đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng hơn, tạo áp lực hành động lên các bộ, ngành và địa phương.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Cuối tuần rồi Nghị quyết 19 đã được ban hành, ông đánh giá như thế nào về tinh thần của Nghị quyết 19 lần thứ 5 của Chính phủ?

Từ 2014 đến nay, mỗi năm, Chính phủ luôn ban hành một Nghị quyết 19 về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể. Năm nay là năm thứ 5 nên tinh thần của Nghị quyết có được sự kế thừa của các Nghị quyết 4 năm trước, mỗi năm lại lên một bậc mới của các vấn đề mang tính trọng tâm. Năm nay, Nghị quyết đặt ra những mục tiêu có tính tham vọng hơn, cụ thể hơn nhưng cũng áp lực hơn để đốc thúc các cơ quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo ông, đâu là những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 19 năm nay?

Nếu nói điểm mới theo nghĩa mới hoàn toàn, trước đây chưa từng có thì Nghị quyết năm nay không có, mà chủ yếu là những yêu cầu “mới” ở các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm.

Thứ nhất là yêu cầu phải bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; với mục tiêu năm nay phải hoàn thành cắt giảm hơn 50% số lượng hiện hành. Đây là yêu cầu thực sự không dễ thực hiện. Bởi hiện nay mới có Bộ Công Thương thực sự bãi bỏ hơn 600 điều kiện kinh doanh, trong khi số lượng phải trên 2.000 điều kiện. Các bộ còn lại đang “xếp hàng” để các nghị định liên quan được trình Chính phủ và ban hành. Tốc độ này tương đối chậm khi còn hơn 6 tháng nữa là kết thúc năm 2018. Hơn nữa, Nghị quyết yêu cầu phải cắt bỏ thực chất, bởi có những quy định còn rườm rà, 2 tầng điều kiện kinh doanh hoặc một điều kiện nhưng lại đánh dấu nhiều phụ lục, nhiều vế khác nhau. Nên theo tôi, có lẽ số điều kiện kinh doanh thực tế nhiều hơn số lượng đang công bố. Đây là “điểm nghẽn” trong hoạt động kinh doanh nội địa của DN Việt Nam nên Chính phủ phải tạo áp lực lớn trong Nghị quyết 19 đối với các Bộ trưởng về thời gian hoàn thành việc cắt giảm.

Thứ hai là yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, trong đó nhấn mạnh tới các hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành. Chỉ tiêu giảm số lượng kiểm tra thông quan từ 30% xuống còn 10% là rất lớn, đầy tham vọng; bởi để làm được điều này sẽ phải cắt bỏ hơn 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Nhưng điều này nếu làm được sẽ giúp DN tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tăng giá trị gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Thứ ba là phải kết nối Cơ chế một cửa, bởi hiện nay số lượng thủ tục được kết nối rất ít so với số thủ tục đang làm, thậm chí còn hiện tượng DN phải vừa làm trực tuyến vừa làm thủ công khiến chi phí càng gia tăng. Các cơ quan nhà nước vì nhiều lý do vẫn còn “ngập ngừng” trong cải cách vấn đề này, nên Nghị quyết năm nay bắt buộc phải kết nối dịch vụ công ở cấp độ 4, hoàn toàn thông qua điện tử, bỏ các hồ sơ bằng giấy. Phải ép buộc như vậy thì mới hy vọng thay đổi, cải cách.

Cuối cùng, trong khi các Nghị quyết 19 trước phần địa phương nói hơi mờ nhạt thì Nghị quyết 19 năm nay đã nhấn mạnh tới vai trò của địa phương. Nghị quyết có những chỉ dẫn tốt hơn cho địa phương để gắn việc thực hiện Nghị quyết 19 với cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh (chỉ số PCI). Một trong những yêu cầu là thúc đẩy việc đánh giá năng lực cạnh tranh đến các cấp quận, huyện, sở, ban, ngành, nhằm hy vọng tạo ra công cụ đốt nóng từ trên xuống dưới để “trên nóng, giữa ấm”.

Từ những áp lực nêu trên, các cơ quan liên quan cần hành động như thế nào để việc thực hiện được hiệu quả, thưa ông?

Những điểm mới trên đã tạo áp lực cải cách mạnh mẽ để các cơ quan phải thực hiện, nhưng vẫn cần sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan đánh giá độc lập, DN, báo chí… Sức ép luôn nóng thì mới thúc đẩy các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh… hành động, thúc đẩy các bộ phận bên dưới vận động theo. Ngoài ra, theo tôi, nên có một sự thay đổi nữa là nếu cá nhân nào thực hiện không đạt kết quả thì không nên chỉ kiểm điểm mà nên thay thế hẳn bằng người khác, để tạo áp lực tốt hơn cho các khâu ở giữa. Bởi các khâu ở giữa này mới thực sự là điểm nghẽn trong việc thực thi Nghị quyết 19 nói riêng và những vấn đề cải cách khác nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nghi-quyet-19-nam-2018-suc-ep-luon-nong-moi-thuc-day-hanh-dong.aspx