Nghị quyết 105/NQ-CP: Kích thích 3 động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, kinh tế trong nước còn khó khăn, Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành đã nêu rõ, Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cả nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng. Cụ thể, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 1,81%, tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là mức tăng thuộc nhóm cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đời sống người dân được bảo đảm.

Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng

Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết liệt hành động nhanh hơn nữa, không để công việc trì trệ; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; phát huy mọi dư địa tăng trưởng, tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, các đầu tàu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phải phát huy nội lực, tăng cường liên kết vùng, có quyết sách mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để vực dậy tiềm năng, lợi thế, phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; Bộ Tài chính thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thông qua việc xem xét mở rộng đối tượng, sắc thuế và kéo dài thời gian được gia hạn nộp thuế phù hợp cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, đối với Bộ Công Thương, Chính phủ nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là các dự án năng lượng; tập trung xử lý hàng tồn kho; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam; xây dựng, triển khai chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng; phát triển kênh phân phối, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cắt giảm quy định, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tận dụng các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của các thủ tục hành chính, đưa dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4...

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-105nq-cp-kich-thich-3-dong-luc-tang-truong-140453.html