Nghị quyết 10-NQ/TW: Tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân

Để đạt được mục tiêu 'phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa', trong thời gian tới, cần phải có nhiều giải pháp tổng thể hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

(Ảnh minh họa: HH)

Bước đột phá trong tư duy

Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Đảng ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (sau đây gọi là Nghị quyết 10).

Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học quý báu của hơn 30 năm Đổi mới, là kế thừa có chọn lọc những thành tựu về phát triển kinh tế thị trường của nhân loại.

Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói về kinh tế tư nhân. (Ảnh: HH)

Với việc đánh số 10 cho Nghị quyết này cũng nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới.

Tại Nghị quyết lần này, Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và coi đây là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.

Đảng ta xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng là lần đầu tiên Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, các quan điểm của Nghị quyết là các quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá. Tuy nhiên, khi chúng ta chủ trương như vậy thì cũng phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân.

Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể như tại Nghị quyết lần này, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, bên cạnh việc Đảng ta xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.

Bên cạnh đó, Đảng ta luôn chăm lo, quan tâm đến việc bồi dưỡng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có ý thức chính trị; có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; có ý chí tự lực, tự cường; gắn bó với lợi ích của quốc gia, dân tộc với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Điểm tích cực trong hai năm qua là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng...góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.

Thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm. Những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy phong trào khởi nghiệp kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại kết quả bước đầu. Thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Để có sự phát triển mạnh mẽ đó là do trong những năm qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2019 đứng thứ 69/190 quốc gia, tăng 21 bậc so với năm 2016, trong đó xếp hạng của một số chỉ tiêu thành phần tăng khá cao như: thành lập doanh nghiệp (tăng 15 bậc); tiếp cận điện (tăng 81 bậc); bảo vệ nhà đầu tư tối thiểu (tăng 33 bậc); nộp thuế (tăng 37 bậc); thực hiện hợp đồng (tăng 12 bậc).

Để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ của Việt Nam. Trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng, để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên theo thống kê, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40%, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, Thủ tướng Chính phủ cần xây dựng những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đội thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính. Song song với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, sáng tạo, hoài bão và văn hóa.

Theo đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng. Với lĩnh vực tài chính ngân sách, cách doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa là 23,3%; tỷ trọng thu ngân sách của doanh nghiệp tư nhân ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện chính sách tài chính chưa đủ mạnh, thiếu sự nhất quán; các doanh nghiệp chưa nắm bắt được hành lang pháp lý. Trong thời gian tới, cần tập trung vào cơ chế giải pháp chính như tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai. Tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn, chú trọng phát triển trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn này. Đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động quản trị. Chính phủ nên hỗ trợ thuế, tài chính với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Đồng chí Vũ Tiến Lộc cho biết các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. (Ảnh: HH)

Còn theo đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thúc đẩy kinh tế tư nhân trong thời gian tới, cần tiếp tục khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân dù trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước có thể đóng vai trò dẫn dắt. Cần xác định trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới phải nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp dân tộc. Tiếp tục có những nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.

Triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân, các tập đoàn kinh tế hỗn hợp.

Cũng theo đồng chí Vũ Tiến Lộc, cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp với hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký. Ngoài việc quan tâm đến phát triển số lượng doanh nghiệp, cần chú trọng đến nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư không chỉ trong phát triển hạ tầng KT-XH mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu khu vực tư nhân dẫn dắt. Cùng với đó, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và thu hút chọn lọc các doanh nghiệp FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các liên minh liên chính và áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng và thực hiện các báo cáo phát triển bền vững./.

Hoa Hiền

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/xay-dung-dang/nghi-quyet-10-nq-tw-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-521904.html