Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020: Thước đo mới của cải cách

Nhiều chuyên gia nhận định, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 chính là thước đo mới của cải cách bởi Nghị quyết lần này đã lấy sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp là tiêu chí cho mọi thước đo.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Đây là năm thứ 7 Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Nghị quyết nêu rõ, 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Nghị quyết nêu rõ, 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Sẽ có đầy đủ bức tranh về quá trình cắt giảm điều kiện kinh ngay trong quý I/2020

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Nghị quyết 02 năm nay chính là yêu cầu các bộ, ngành phải công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa và phải thực hiện ngay trong quý I/2020.

Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Như vậy, với yêu cầu này thì trong quý I/2020, việc cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa phải hoàn tất. Để làm được việc này, họ sẽ phải rà soát và gọi tên từng điều kiện kinh doanh, từng thủ tục hành chính đã thay đổi, trên cơ sở đó công khai trên cổng thông tin của các bộ, ngành.

“Áp lực này sẽ buộc các bộ ngành phải cải cách thật sự, sẽ không có tình trạng điều kiện kinh doanh 3 trong 1 tái xuất. Yêu cầu này được đưa ra cũng là để đảm bảo rằng các cải cách đã được thực hiện phải được thực thi đầy đủ để tất cả cộng đồng doanh nghiệp có liên quan được hưởng lợi và hưởng lợi đầy đủ”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thêm nhiều nhiệm vụ mới, cụ thể

Trong Nghị quyết 02 vừa được ban hành, có khá nhiều đầu việc cụ thể được liệt kê. Đáng nói, những công việc này cũng được giao cho các bộ ngành cụ thể.

Theo đó, Nghị quyết yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hoàn thành trong quý IV năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường; hoàn thành và trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 5 năm 2020.

Bộ Tư pháp trong quý IV năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán… theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến...

Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; hoàn thành trong quý II năm 2020.

Đối với các phần việc chưa hoàn thành của Nghị quyết 02/2019/NQ-CP thì Nghị quyết 02/2020 vẫn sẽ được tiếp tục giám sát.

Ngoài ra, nhiều cải cách trong năm nay yêu cầu phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan; do đó, đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan và tất cả cùng phải chuyển động về cùng một hướng. Tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nghi-quyet-02-nq-cp-nam-2020-thuoc-do-moi-cua-cai-cach-164548.html