Nghi phạm vụ ám sát Kim Chol: 'Mẹ ơi, con bị lừa!'

Siti Aisyah (26 tuổi, người Indonesia) là người cùng Đoàn Thi Hương (29 tuổi, người Việt Nam) bị cáo buộc tham gia vụ ám sát công dân Triều Tiên Kim Chol. Tuy nhiên, trong các cuộc gọi với mẹ - bà Benah, Siti liên tục khẳng định mình vô tội.

Siti Aisyah trong một lần xuất hiện tại tòa. Ảnh: Tân Hoa Xã

Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương bị cáo buộc sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol vào ngày 13/2/2017, bằng cách bôi lên mặt người này chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia).

Phiên xét xử Hương và Siti kéo dài suốt nhiều tháng. Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào ngày mai, 16/8 Trong khi đó, 4 người đàn ông Triều Tiên cùng bị buộc tội với Hương và Siti vẫn chưa xuất hiện.

Nếu tòa không tuyên trắng án, quá trình bào chữa cho Hương và Siti sẽ tiếp tục. Nếu tòa kết tội 2 nghi phạm, Hương và Siti sẽ đối mặt với án tử hình.

Cuộc gọi từ nhà tù

18 tháng sau khi con gái bị bắt, từ quê nhà, bà Benah – mẹ của Siti vẫn nuôi hi vọng mọi việc sẽ sớm ngã ngũ.

Thời gian đầu, có những lúc Benah buộc phải vờ như không biết con gái mình, vì bà không thể đối mặt với các câu hỏi dồn dập.

Đến kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám ở thị trấn, nhân viên lễ tân lập tức nhận ra Benah và hỏi: “Nhà của bà cách nhà Siti có xa không?”

“Xa lắm”, Benah trả lời. “Tôi thậm chí còn không biết cô gái ấy”.

Bà Benah đứng bên ngoài ngôi nhà của gia đình. Ảnh: The Guardian

Trở về nhà, bà Benah dường như không thể chợp mắt khi biết án tử đang treo lơ lửng trên đầu con gái mình. Đối với Benah, thực tế này quá khó tin và đáng sợ.

Trong cuộc trò chuyện điện thoại với mẹ từ nhà tù, Siti liên tục khẳng định cô đã bị lừa nên nghĩ rằng mình chỉ đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế.

“Siti nói với tôi rằng: Mẹ ơi đây hoàn toàn là một sự sắp đặt. Con bị lừa!”, bà Benah kể.

Ông Gooi Soon Seng – luật sư bào chữa của Siti cho biết cả thân chủ và nghi phạm Đoàn Thị Hương đều được thuê để tham gia một số trò chơi khăm, mà không hề hay biết mình đang bị lôi kéo vào âm mưu sát hại Kim Chol.

Ông Gooi tự tin rằng Siti sẽ được thả, vì cho rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Siti đã tấn công Kim Chol. Sau vụ việc, Siti không chạy đến nhà vệ sinh rửa tay, cũng không tìm cách trốn thoát khỏi Malaysia. Thay vào đó, cô đi mua sắm và tiếp tục sinh hoạt bình thường.

Từ trại giam, Siti duy trì gọi điện cho mẹ vài ngày một lần. Cô dường như đang rất căng thẳng, chỉ đôi lúc bật cười, đồng thời tỏ ra thương cảm đối với Đoàn Thị Hương.

Bức ảnh cuối cùng Siti chụp cùng cha mẹ trước khi bị bắt. Ảnh: The Guardian

Các cuộc gọi của Siti chỉ giới hạn trong khoảng 5 phút. Thời gian ấy hầu như không đủ để bà Benah được nghe toàn bộ câu chuyện về cách Siti bị lôi kéo tham gia vụ ám sát.

Lần cuối cùng bà Benah nhìn thấy con gái là khi Siti về nhà vào tháng 1 năm ngoái để thông báo rằng cô sẽ trở thành một ngôi sao truyền hình.

“Mẹ ơi, con sẽ trở thành diễn viên. Con được đề nghị một công việc và sẽ thực hiện các tiết mục chơi khăm”, bà Benah nhớ lại lời con gái. “Tôi nhắc con gái rằng hãy chắc chắn việc này được cho phép trong đạo Hồi. Và nó khẳng định đây không phải việc làm sai trái.”

“Cuối cùng nó đã được lên tivi”, Benah nói. “Nhưng không theo cách mà tôi mong đợi.”

Cũng theo The Guardian, Đoàn Thị Hương sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở miền Bắc Việt Nam. Hương từng là niềm hy vọng của gia đình, sau khi được cả nhà gom góp tiền đưa lên Hà Nội học.

Trong suốt quá trình xét xử, Hương không nhắc đến gia đình, nhưng tỏ ra lo lắng về sự an toàn của cha mình – người từng đến thăm cô một lần.

Dặn lòng không lo lắng

Bà Benah và chồng – ông Asria – sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Tây Java, bao quanh bởi vườn chuối và những cánh đồng lúa.

Cả bà Benah và ông Asria đều chưa từng rời khỏi Indonesia. Sau khi Siti bị bắt, Bộ Ngoại giao Indonesia đã giúp gia đình bà Benah làm hộ chiếu để đến Malaysia, nhưng mẹ của Siti cho rằng đây là một việc quá khó khăn.

“Tôi không nghĩ rằng tôi có thể đến Kuala Lumpur (Malaysia) một mình. Tôi không biết gì về phố xá, cũng không biết phải đi đâu. Tôi sẽ ăn, ngủ ở đâu?”, Benah nói. “Tôi sinh ra từ làng quê, nên việc đến thành phố là một cú sốc văn hóa đối với tôi.”

Được biết, sau khi hoàn thành bậc tiểu học, Siti chuyển đến Jakarta sống và làm việc trong một nhà máy may.

Vài năm sau, Siti kết hôn với con trai ông chủ nhà máy, và sinh con trai Rio khi mới 18 tuổi. Cuộc hôn nhân của Siti tan vỡ vào năm 2012. Hiện Rio sống với cha, nhưng vẫn liên lạc với ông bà ngoại và biết rằng mẹ mình đang bị giam giữ.

Quang cảnh nhìn từ ngôi nhà của Siti. Ảnh: The Guardian

Ngày phán quyết đến gần, bà Benah luôn tự dặn lòng không được lo lắng, và liên tục cầu nguyện rằng con gái mình sẽ sớm được thả tự do.

Khi Siti Aisyah trở về nhà, bà Benah dự định sẽ cùng con gái nấu nướng, niệm kinh Qur’an và ôm nhau ngủ để bù đắp những tháng ngày xa cách. “Tôi tin Siti sẽ được thả vì nó không có tội. Siti không bao giờ có ý định giết người. Siti là con gái tôi, và tôi hoàn toàn tin nó”, Benah nói.

Minh Hạnh

Theo The Guardian

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nghi-pham-vu-am-sat-kim-chol-me-oi-con-bi-lua-1313362.tpo