Nghi phạm gây ra cái chết cho thượng úy công an đối mặt tội danh nào?

Luật sư cho rằng nhóm người liên quan vụ thượng úy công an hy sinh sẽ bị xem xét xử lý nhiều hành vi. Trong đó, người đấm vào bụng cảnh sát đối diện với cáo buộc giết người.

Công an tỉnh Hà Nam đã bắt Nguyễn Văn Côn, Trần Quang Đoài và Phan Văn Thế (cùng ở huyện Lý Nhân) để điều tra, làm rõ vụ việc khiến thượng úy cảnh sát hy sinh khi ngăn vụ ẩu đả.

Trưa 10/11, nhóm của Côn xô xát với ông Hưng (người địa phương) tại xưởng may ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Sau khi nhận tin báo, thượng úy Nguyễn Tuấn Minh đến hiện trường để can ngăn, giải quyết thì bị Côn tấn công. Chiều cùng ngày, thượng úy công an tử vong.

 Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Ảnh: N.T.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm. Ảnh: N.T.

Theo các luật sư, với cáo buộc đấm vào bụng thượng úy cảnh sát khiến nạn nhân vỡ lá lách và tử vong, Nguyễn Văn Côn có thể bị truy tố nhiều tội danh.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh) cho rằng nghi phạm đã sử dụng vũ lực, tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể anh Minh, gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Nghi phạm đã vô cớ chống lại hoạt động của người thực thi nhiệm vụ, hậu quả khiến thượng úy công an tử vong. Hành vi đã có dấu hiệu giết người", luật sư Thơm nhận định.

Ông cũng đánh giá lỗi của nghi phạm trong trường hợp này là cố ý gián tiếp, quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự về việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, thấy trước hậu quả, tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

Đối với vụ xô xát giữa nhóm của Côn và ông Hưng, luật sư đánh giá nếu việc ẩu đả gây thương tích cho ai đó, thì những người liên quan có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích. Còn nếu vụ việc chưa gây hậu quả thì cơ quan chức năng sẽ xử lý họ do gây rối trật tự công cộng.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) nhìn nhận trước hết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng của Côn và những người liên quan trước khi thượng úy Minh đến hiện trường.

Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: Hải Nam.

Theo ông Cường, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ sẽ xử lý nhóm người gây rối về các hành vi cố ý gây thương tích (theo Điều 134 Bộ luật Hình sự) và gây rối trật tự công cộng (Điều 318 bộ luật này).

Đối với hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ khiến cán bộ công an tử vong, luật sư Cường cho rằng cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý Côn và đồng phạm (nếu có) về các tội chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích hoặc giết người.

"Tùy vào hành vi và tương quan lực lượng giữa 2 bên trong tình huống cụ thể mà cơ quan điều tra sẽ xác định tội danh", ông Cường phân tích.

Theo luật sư, cơ quan chức năng cáo buộc Nguyễn Văn Côn không dùng hung khí, dùng tay đấm vào bụng khiến thượng úy cảnh sát tử vong. Do đó, nếu hành vi của Côn không nhằm mục đích giết người, không nhận thức được hậu quả có thể gây chết người, thì nghi phạm sẽ bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích.

Còn trong trường hợp nghi phạm tấn công người làm nhiệm vụ với ý đồ giết người, anh ta nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện, để mặc hậu quả xảy ra thì Côn đã có dấu hiệu của tội Giết người.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghi-pham-gay-ra-cai-chet-cho-thuong-uy-cong-an-doi-mat-toi-danh-nao-post1152114.html