Nghi nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm: Sự thật không bất ngờ!

Với việc đào tạo nhân lực ngành y như hiện nay thì những thảm họa tập thể như vụ lây nhiễm HIV cho hàng chục người ở Phú Thọ không phải là lạ?

Cả xã náo loạn vì nghi nhiễm HIV sau khi tiêm tại nhà một y sĩ. Bỗng đâu cái chết treo lơ lửng trên đầu những người dân nghèo lương thiện có khi cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng chỉ vì sự tắc trách hay thiếu hiểu biết của người làm nghề. Sự việc xảy ra tại xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) khi hàng chục người nghi bị sử dụng chung bơm kim tiêm tại nhà riêng y sĩ T., hiện đang công tác tại BV đa khoa khoa huyện Tân Sơn.

Hồ sơ bệnh nhân

Hồ sơ bệnh nhân

Và chắc hẳn chúng ta chưa quên vụ hàng chục bé trai ở Hưng Yên bị sùi mào gà do sự cẩu thả trong nghề nghiệp của một nữ y sĩ xảy ra năm 2017.

Những sự việc này khiến tôi nhớ đến câu chuyện của làng tôi cách nay 30 năm. Có một ông làm bác sĩ thú y, lại chuyên đi thiến hoạn động vật (gà, lợn, chó) và phối giống các loài động vật này. Ông ta làm rất mát tay nên được nhiều gia đình làm chăn nuôi tín nhiệm. Các loại dịch bệnh ở lợn, gà, vật nuôi trong gia đình chỉ cần báo ông, ông qua tiêm, hoặc cho động vật ăn uống là khỏi liền. Nhờ vào sự tài giỏi của ông mà nhiều gia đình đã không mất đi “cơ đồ”, không phải chịu cảnh gà, lợn chết hàng loạt. Từ người chuyên chữa trị cho động vật, ông bác sĩ thú y này trở thành bác sĩ cho người từ lúc nào không hay. Ai bị bệnh gì cũng chạy qua ông khám, hỏi han trước, khi ông lắc đầu không chữa được thì mới chuyển ra trạm xá hoặc bệnh viện. Ông bác sĩ thú y này sẽ chữa cho người dài dài nếu không có một sự cố suýt chết người xảy ra. Người dân quê tôi cũng tỉnh táo hơn mỗi khi đi khám bệnh. Họ uống thuốc gì cũng phải hỏi bác sĩ cho xin lại vỏ thuốc, hoặc nếu phải tiêm chuyền thì phải dùng riêng bơm kim tiêm… Đặc biệt, những ông lang vườn cũng khó làm ăn ở vùng quê này.

Đến hôm nay, nếu có chuyện người làm nghề y dùng chung kim tiêm cho hàng chục người khiến họ bị lây nhiễm HIV tôi thực sự không thấy lạ. Bởi với việc đào tạo ngành y quá tràn lan như hiện nay, điểm đầu vào thấp... thì những tai họa khủng khiếp như thế này sẽ không phải chỉ dừng lại ở Hưng Yên hay Phú Thọ mà nó đang rình rập, lẩn khuất ở một nơi nào đấy.

Còn về phía người dân, do thói quen, sự dễ dãi với tính mạng và sức khỏe của mình nên họ không đi khám chữa bệnh thường xuyên. Gặp những bệnh đơn giản thì tự chữa, không khỏi mới tìm đến hỏi han những người có chút hiểu biết, đến khi bệnh nặng hơn thì đến các bác sĩ quen biết hoặc ở gần nhất và khi trọng bệnh, không thể chịu đựng nổi đau đớn, khó chịu thì mới tìm đến bệnh viện.

Ngoài ra, cái nghèo là nguyên nhân lớn nhất khiến người dân không dám tìm đến những nơi khám chữa bệnh có uy tín, đành giao phó toàn bộ tính mạng, sức khỏe của mình cho những kẻ có chuyên môn nghiệp vụ thấp kém. Lẽ ra, lương tâm của người làm nghề y, với trình độ nhận thức và điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế thì trách nhiệm, tinh thần thái độ phải cao hơn chứ không thể cẩu thả, coi thường qui trình khám chữa bệnh cho người.

Giờ đây, các cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về nguồn gốc lây nhiễm HIV cho những người dân ở Phú Thọ. Nhưng điều có thể chắc chắn rằng, nhiều người đang sống trong hoang mang là những người dân có lối sống lành mạnh, sẵn sàng công khai danh tính, đi xét nghiệm tìm bệnh. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm đưa ra câu trả lời để giải tỏa “hòn đá tảng” đang đè nặng lên ngực những người dân vốn hàng ngày đã vô cùng vất vả mới có được miếng cơm, manh áo. Qua đây, ngành y tế cũng nên thắt chặt việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho những người làm nghề để dân không phải chịu những rủi ro oan ức như thời gian vừa qua nữa./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog/nghi-nhiem-hiv-do-dung-chung-kim-tiem-su-that-khong-bat-ngo-799436.vov