Nghi ngờ Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa: Tín hiệu leo thang căng thẳng?

Quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phóng đi một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này hôm thứ Năm.

Nếu vật thể này được xác định là ICBM, đây sẽ là vụ phóng tên lửa quy mô nhất của nước này kể từ năm 2017 và thể hiện một sự leo thang lớn trong quá trình phát triển vũ khí của Triều Tiên đối với các khí tài có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến mọi địa điểm trên nước Mỹ.

Việc Triều Tiên quay trở lại các cuộc thử nghiệm vũ khí lớn cũng đặt ra vấn đề an ninh quốc gia mới đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ tập trung phản ứng với cuộc khủng hoảng Ukraine, và chính quyền bảo thủ sắp nhậm chức của Hàn Quốc.

Lo ngại từ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết vụ phóng lần này dường như là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, di chuyển được 1.100 km (684 dặm) trong khoảng 71 phút từ bãi phóng ban đầu.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tên lửa này đã rơi xuống khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách 170 km về phía tây của tỉnh Aomori, vào lúc 3:44 chiều.

Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện vụ phóng "một vật thể không xác định" từ phía Triều Tiên, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Triều Tiên đã tăng cường đáng kể số lần thử tên lửa trong năm nay. Ảnh: KCNA/Reuters.

Triều Tiên đã tăng cường đáng kể số lần thử tên lửa trong năm nay. Ảnh: KCNA/Reuters.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, vụ phóng này được cho là một tên lửa tầm xa, có thể là ICBM được bắn theo quỹ đạo vòng lên không gian.

Còn Văn phòng Nhà Xanh của Hàn Quốc cho biết đây là tên lửa ICBM. Triều Tiên đã không thử các tên lửa như vậy kể từ năm 2017.

Trước đó, theo tin từ quân đội Hàn Quốc, vào ngày 16/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa bị nghi là đã phát nổ ngay sau được phóng lên bầu trời Bình Nhưỡng. Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh có thông tin rằng Triều Tiên đang tìm cách bắn thử tên lửa lớn nhất của mình.

Các quan chức Mỹ cho biết, ít nhất hai cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây, vào ngày 27 tháng 2 và ngày 5 tháng 3, có sự xuất hiện của hệ thống ICBM lớn nhất của Triều Tiên là Hwasong-17.

"Mục đích của các cuộc thử nghiệm này không nhằm thể hiện tầm bắn của ICBM mà có thể là nhằm đánh giá hệ thống mới này trước khi tiến hành thử nghiệm ở quy mô đầy đủ trong tương lai. Để sau đó có khả năng ngụy trang thành một vụ phóng vào không gian", một quan chức Mỹ cho biết vào thời điểm đó.

Bình Nhưỡng không nêu cụ thể hệ thống tên lửa nào được sử dụng trong các vụ phóng đó, nhưng cho biết họ đang thử nghiệm các thành phần của một hệ thống vệ tinh do thám.

Trong tháng này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết Triều Tiên sẽ sớm phóng nhiều vệ tinh để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh.

Vụ phóng hôm thứ Năm sẽ là vụ thử tên lửa thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, một tần suất nhiều chưa từng có. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên án gay gắt các vụ phóng này.

Nguy cơ từ tên lửa ICBM

Lần cuối cùng Triều Tiên thực hiện một vụ thử nghiệm ICBM đầy đủ là vào ngày 29 tháng 11 năm 2017. Thời điểm đó, nước này cho biết đã phóng thành công một loại ICBM mới, được gọi là Hwasong-15, có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ. Tên lửa đó đã bay trong 53 phút.

Trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao được tăng cường mạnh mẽ vào năm 2018, ông Kim Jong Un đã tuyên bố tự áp đặt lệnh cấm thử ICBM và vũ khí hạt nhân, nhưng cũng tỏ ý rằng Triều Tiên có thể tiếp tục thử nghiệm các loại tên lửa tối tân như vậy khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Lệnh tạm hoãn thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên thời điểm đó thường được coi là thành công của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh lịch sử với ông Kim vào năm 2018 và 2019, nhưng chưa ký được một hiệp ước cụ thể nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, vào ngày 19/1, Triều Tiên cho biết họ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trước Mỹ và xem xét nối lại "tất cả các hoạt động từng tạm thời bị đình chỉ".

Các nhà phân tích cho rằng tên lửa Hwasong-17, được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2020 và sau đó được trưng bày lần thứ hai vào tháng 10 năm 2021, "mạnh mẽ đáng kể hơn" so với Hwasong-15.

Tên lửa này, đã được giới thiệu trên một phương tiện vận tải có 11 trục, sẽ là một trong những ICBM cơ động trên đường bộ lớn nhất thế giới khi nó được đưa vào hoạt động.

Đường kính của tên lửa này ước tính từ 2,4 mét đến 2,5 mét, với tổng khối lượng của nó, khi được nạp đầy nhiên liệu, có thể từ 80.000 kg đến 110.000 kg, trang 38 độ Bắc chuyên theo sát các vấn đề về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghi-ngo-trieu-tien-thu-ten-lua-xuyen-luc-dia-tin-hieu-leo-thang-cang-thang-20220324161743124.htm