Nghị lực vươn lên của những nạn nhân da cam

Đã hơn 40 năm chiến tranh qua đi, nhưng nỗi đau da cam thì vẫn dai dẳng còn đó, hiện hữu trong cuộc đời và mái nhà của những người lính may mắn trở về sau chiến tranh. Song bằng khối óc và nghị lực sống mạnh mẽ, những người lính ấy đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực từng ngày vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Họ đã trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế giỏi

Đó là ông Phạm Khắc Hỵ (sinh năm 1947) hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin phường Hà An (TX Quảng Yên). Ở tuổi 72, cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi nhưng hai vợ chồng ông vẫn ngày ngày dãi nắng, dầm mưa để nuôi tôm, cá, phát triển kinh tế gia đình với tổng diện tích đầm trên 1,5ha. Hơn 5 năm phát triển mô hình là 5 năm ông tự mày mò vừa tìm đọc tài liệu, đi các địa phương học hỏi vừa triển khai làm. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, mô hình nuôi tôm mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng.

Ông Phạm Khắc Hỵ kiểm tra giống tôm trong các đầm nuôi tôm của gia đình.

Ông Phạm Khắc Hỵ kiểm tra giống tôm trong các đầm nuôi tôm của gia đình.

Ông Hỵ chia sẻ: Nhìn làn da tôi rám nắng có vẻ khỏe mạnh vậy thôi chứ những ngày trái gió trở trời, từng cơn đau do ảnh hưởng của chất độc da cam trong người dấm dẳng, bứt rứt khó chịu lắm. Nhưng bản thân tôi luôn nghĩ rằng mình đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội khi vẫn còn cơ thể lành lặn để trở về, để được lao động, cống hiến nên phải cố gắng vượt qua, đồng thời cũng để động viên tinh thần anh em đồng đội, hội viên của Hội cùng nhau vươn lên.

Đến nay, cũng đã hơn 10 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường, ông Hỵ dành tâm huyết, cố gắng giúp đỡ các nạn nhân da cam cùng vươn lên thoát đói nghèo, xây dựng gia đình ấm no. Trong những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin phường Hà An đã đề xuất các cấp và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa giúp đỡ xây mới và sửa chữa 16 nhà cho hội viên, duy trì nguồn quỹ giúp hội viên vay phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn đột xuất.

Không chỉ tích cực tham gia công tác Hội, là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hỵ còn được biết đến là một cây thơ có tiếng ở địa phương với chức danh Chủ nhiệm CLB thơ Việt Nam TX Quảng Yên. Ông đã sáng tác nhiều tập thơ cảm động về cuộc đời người lính, về những nỗi đau da cam, về sự nỗ lực vươn lên của những nạn nhân da cam... và trong đó đã có tác phẩm đạt giải thơ Lê Thánh Tông.

Với ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, ông Phạm Khắc Hỵ hàng năm đều được nhận giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành về sự đóng góp, cống hiến của ông trong các phong trào thi đua yêu nước.

Bí thư chi bộ, trưởng khu nhiệt huyết

Trong suốt 10 năm làm trưởng khu và hơn 2 năm đảm nhận cả cương vị Bí thư chi bộ, ông Tô Quang Thẩm, khu 7, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) luôn là người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong cộng đồng dân cư, được mọi người yêu mến, kính trọng.

Sau gần 10 năm phục vụ trong quân đội, tham gia nhiều chiến trường ác liệt, năm 1981 ông Thẩm ra quân và trở về công tác tại Công ty CP Than Hà Lầm – Vinacomin. Đến năm 2006 nghỉ hưu, ông lại tiếp tục miệt mài với công tác xã hội, đảm nhận nhiều chức vụ của khu phố.

Ông Tô Quang Thẩm, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 7, phường Cao Thắng, TP Hạ Long vẫn ngày ngày miệt mài với công tác khu phố.

Đặc biệt, khu phố nằm trong khu vực địa hình trũng, dễ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn kéo dài. Trước tình hình đó, ông Thẩm cũng nhiều lần cùng cán bộ, nhân dân khu phố họp bàn, đề xuất các cấp triển khai nhiều các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường kịp thời phục vụ nhu cầu giao thông, đi lại của nhân dân. Đầu năm 2019, khi tỉnh triển khai làm tuyến đường nối từ tỉnh lộ 336 đi Hà Khánh, Cao Xanh đã ảnh hưởng đến 15 hộ dân của khu phố phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Trước tình hình các hộ dân chưa đồng thuận, ông Thẩm đã tích cực, nhiều lần đến từng hộ dân để vận động, giải thích giúp người dân hiểu được lợi ích chung của dự án mang lại cho khu phố được nhân dân đồng thuận không để xảy ra cưỡng chế thu hồi. Đến nay, đoạn đường qua khu phố đã được hoàn thiện, góp phần hạn chế tình trạng ngập lụt đồng thời làm đẹp, chỉnh trang đô thị trên địa bàn khu phố, nhân dân ai cũng phấn khởi.

Cùng với đó, các phong trào thi đua, phong trào văn nghệ, thể thao, nhân đạo, từ thiện, vệ sinh môi trường.... do phường phát động, khu phố đều gương mẫu thực hiện, huy động được đông đảo nhân dân tham gia. Hàng năm tỷ lệ gia đình văn hóa của khu phố đều đạt trên 98%, khu phố nhiều năm đạt danh hiệu khu phố văn hóa. Với những đóng góp cho công tác khu phố, địa phương, hàng năm ông Tô Quang Thẩm đều được nhận giấy khen của UBND phường, thành phố vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Người thương binh say mê các hoạt động xã hội

Ông Đặng Đình Viên là thương binh và là Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) được nhiều người biết đến, vì ông có nhiều hoạt động gắn với đời sống người dân trong phường. Ngày nay, những người dân khu Bình Minh, phường Cẩm Bình đều rất phấn khởi khi đi trên con đường rộng, được trải nhựa thay thế con đường cũ lầy lội. Con đường hoàn thành có một phần công lớn của ông Viên. Nhờ uy tín của mình trong cộng đồng, ông đã đến vận động nhiều gia đình hiến đất làm đường, được nhân dân đồng thuận.

Ông Đặng Đình Viên (bên phải) đến thăm ông Nguyễn Văn Tính, nạn nhân chất độc da cam ở khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình, người được ông Viên vận động các hội viên NNCĐDC ủng hộ 50 triệu đồng để xây nhà.

Ông Đặng Đình Viên trước đây làm việc ở Công ty CP Than Cọc Sáu – Vinacomin. Sau khi về hưu, ông lại tiếp tục tham gia công tác địa phương và năm 2014, ông được bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin phường Cẩm Bình. Ở cương vị này, ông Viên có điều kiện hơn để chăm sóc các hội viên bị chất độc da cam. Công việc không dễ, vì hàng năm Hội chỉ được phường cấp 10 triệu đồng để làm kinh phí hoạt động. Trong khi đó, phường Cẩm Bình có ít doanh nghiệp hoạt động nên việc vận động xã hội hóa thường từ các hội viên giúp đỡ lẫn nhau, người khá hơn giúp người có kinh tế kém hơn. Thế nhưng, từ sự nỗ lực của ông Viên kêu gọi các hội viên và một số tổ chức tham gia đóng góp, mà năm 2014 và 2015, Hội đã có 3 hội viên hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ từ 20 đến 50 triệu đồng/người để xây mới và sửa chữa nhà ở. Tất cả các hội viên của Hội lúc ốm đau, hoặc vì tuổi cao sức yếu qua đời, đều được nhận sự chăm lo của tổ chức hội.

Từ những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Hội NNCĐDC/dioxin phường Cẩm Bình đã được nhận nhiều giấy khen của UBND tỉnh và UBND TP Cẩm Phả. Bản thân ông Đặng Đình Viên đã được nhận Bằng Khen của Bộ LĐ-TB&XH năm 2007 vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Người CCB không khuất phục số phận

Trở về quê hương năm 1976 sau 8 năm phục vụ trong quân đội, CCB Tăng Văn Bảo, 69 tuổi, là nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng ông Bảo đã không đầu hàng số phận và nhiều năm là hộ khá của khu phố Tam Thịnh, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên.

Ông Tăng Văn Bảo (bên trái) đang cùng bàn bạc với lãnh đạo Hội NNCĐDC/đioxin huyện Tiên Yên về hướng khắc phục mô hình chăn nuôi lợn sau dịch.

Chúng tôi đến thăm ông Bảo trong lúc ông đang gặp khó khăn khi gia đình ông có gần 2 tấn lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi. Ông Bảo trăn trở, làm cách nào để khôi phục lại kinh tế, sẽ mở mang lại để chăn nuôi con gì khi chưa tiếp tục nuôi lợn. Cuộc sống đời thường, đã nhiều lần ông Bảo gặp những khó khăn nhưng chưa lần nào ông chịu đầu hàng số phận. Bởi theo ông, thêm một nạn nhân chất độc da cam vượt khó để phát triển tốt kinh tế, là bớt đi một gánh nặng cho xã hội và cộng đồng. Khi mới xuất ngũ trở về quê hương không có nghề gì trong tay, ông Bảo lên Phong Dụ, là xã vùng cao của huyện Tiên Yên để khai hoang, mở mang chăn nuôi, trồng trọt. Thời điểm ấy giao thông ở các xã vùng cao rất khó khăn, do vậy các sản phẩm cây, con của ông làm ra rất khó tiêu thụ. Sau đó, ông chuyển về phố Tam Thịnh, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên. Ở nơi sống mới, ban đầu ông chăn nuôi nhỏ, nhưng mấy năm gần đây ông mở rộng khu chăn nuôi tăng đàn và hàng năm xuất chuồng khoảng 2 tấn lợn và có thu nhập tốt từ nghề chăn nuôi.

Ông Đàm Hữu Tiến, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Tiên Yên, chia sẻ: “Tuy hiệu quả phát triển kinh tế của ông Tăng Văn Bảo chưa cao, nhưng đó là một cố gắng rất lớn đối với người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Họ không có nhiều thuận lợi như những người bình thường, vì phải luôn chống chọi với bệnh tật khi bị nhiễm chất độc vào cơ thể. Ngoài ra, ông Bảo là hội viên rất tích cực trong các hoạt động xã hội hóa để giúp đỡ các hội viên chất độc da cam khó khăn khác. Ông Tăng Văn Bảo thực sự là tấm gương sáng”.

Duy Khoa – Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/nghi-luc-vuon-len-cua-nhung-nan-nhan-da-cam-2450847/