Nghị lực phi thường của nữ Thủ khoa khiếm thị trước biến cố cuộc đời

28 tuổi mới học Đại học, cô sinh viên khiếm thị vẫn đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc và được vinh danh tại Quốc tử Giám.

Giọng nói tự tin, bình thản trước mọi khó khăn của cuộc đời và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới những người xung quanh... là cảm nhận của bất cứ ai khi tiếp xúc với Thủ khoa Nguyễn Thị Hồng.

Là một trong 86 Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường Đại học, Học viện tại Hà Nội được vinh danh năm 2019, cô sinh viên ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN) Nguyễn Thị Hồng khiến tất cả mọi người thán phục, nhất là khi cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn này bị khiếm thị vì một tai nạn từ năm 14 tuổi.

 Tấm gương sinh viên khiếm thị - Thủ khoa Trường Đại học KHXH&NV Nguyễn Thị Hồng tại lễ vinh danh diễn ra ở Quốc Tử Giám tối 28/10.

Tấm gương sinh viên khiếm thị - Thủ khoa Trường Đại học KHXH&NV Nguyễn Thị Hồng tại lễ vinh danh diễn ra ở Quốc Tử Giám tối 28/10.

28 tuổi mới đặt chân vào giảng đường Đại học

Nguyễn Thị Hồng lấy tấm bằng Cử nhân ngành Công tác xã hội sau 3 năm rưỡi tới giảng đường, với điểm học tập toàn khóa: 3.71/4. Đây là thành tích đáng mơ ước với bất cứ sinh viên nào và để đạt được kết quả này, một sinh viên khiếm thị như Hồng đã phải nỗ lực hơn các bạn rất nhiều.

“Đến năm 28 tuổi em mới đi học Đại học và học cùng các bạn kém 9 tuổi. Khi gặp tai nạn, em đã dừng việc học. Lúc đấy em không hề biết thông tin về Hội người mù hay trường dành cho người khiếm thị. Sau đấy 6 năm, em mới tham gia sinh hoạt Hội người mù và học chữ nổi. Đến năm 2007, em bắt đầu vào Hội và năm 2008 em bắt đầu đi học trở lại”, Hồng chia sẻ.

Hành trang khởi đầu của Hồng khi vào giảng đường Đại học là sự khác biệt và chênh lệch lứa tuổi. Để có được thành tích của ngày hôm nay, bản thân Hồng đã nỗ lực hết mình. Nhưng theo cô, đa phần trong đó là sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè.

“Không có thầy cô và bạn bè, em sẽ không học được, thậm chí là bỏ cuộc. Các bạn học cùng em đều biết, thời gian năm thứ nhất em rơi vào khủng hoảng. Em tưởng là mình không học được, phải bỏ dở, đừng nói là ra được trường. Mong muốn của em khi vừa thi xong năm nhất lúc đấy chỉ là ra trường đúng thời hạn kể cả là bằng Trung bình”, Hồng cho biết.

Theo Hồng, em may mắn khi được học trong môi trường “Nhân văn”. Học với thầy cô và những người bạn luôn sẵn sàng và hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình.

Hồng luôn được các bạn nhiệt tình giúp đỡ từ việc tìm tài liệu viết bài hay khi cần giấy tờ trên trường. Không nhìn thấy slide, không có giáo trình riêng và ghi chép bằng chữ nổi trên giảng đường là không thể, nên Hồng học theo cách dùng điện thoại để ghi âm bài giảng, ghi lại những mục quan trọng, những “keyword” để khi về sẽ sử dụng máy tính để tìm hiểu trên mạng.

Hồng tham gia lớp đào tạo giáo viên xoa bóp bấm huyệt nâng cao tại Trung tâm Dạy nghề của Hội người mù Hà Nội.

“Ăn cơm có đút vào mũi không?”

Thời điểm bị hỏng mắt, dù luôn có mẹ ở bên cạnh nhưng Hồng phải học lại từ đầu, học từ việc tự chăm sóc bản thân… thậm chí tự nấu cơm, rửa bát, giặt giũ… làm tất cả mọi việc như bình thường. Nhờ vậy mà em luôn cười tươi khi nhận được những câu hỏi như: “Cháu có biết tự xúc cơm không?”; “Cháu có biết tự tắm, tự giặt quần áo không?”; “Ăn cơm có đút vào mũi không?”…

“Lúc đấy em rất giận và nghĩ bụng rằng, mình đã như thế này, đã không nhìn thấy mà mẹ vẫn bắt mình làm. Em đã nghĩ là chắc mẹ ghét em lắm. Nhưng mẹ nói rằng, không phải lúc nào bố mẹ cũng ở bên cạnh để chăm sóc con được, nên con phải học cách tự chăm sóc mình. Sau này, khi đi học, đi làm, ở môi trường mình phải tự chăm sóc bản thân từ A đến Z, em mới thấy rằng rất may vì lúc đó mẹ hướng dẫn em tự làm được tất cả”, Hồng chia sẻ.

Từ năm 2007, Hồng vào Hội người mù và được học chữ nổi, học xoa bóp bấm huyệt. Sau đó, làm xoa bóp đến giữa năm 2010. Trong khoảng thời gian này, Hồng học tiếng Anh và đến cuối năm 2010 làm cho tổ chức phi chính phủ của Australia tới hết tháng 4/2017.

Mỗi ngày, Hồng đi học và đi làm đều bằng xe buýt với sự hỗ trợ của tất cả mọi người xung quanh: “Từ nơi ở ở Lạc Trung đi ra bến xe buýt, em phải đi khá xa và phải qua ngã 3 ngã 4. Trong trường hợp bất đắc dĩ không nhờ được ai thì em sẽ chống gậy đi”.

Hồng cũng cho biết, em thường phải phải đi dưới lòng đường vì trên vỉa hè người ta để nhiều đồ, nên có những lúc va quệt không thể tránh được: “Có lần em từ trên xe buýt bước xuống, thì có xe máy đi vọt lên nên khi đặt chân xuống em bị bánh xe máy chẹt qua chân. Do em không nhìn thấy nên phản xạ của mình rất là chậm. Nhiều khi mình chưa kịp phản ứng gì người ta đã mắng cho. Ban đầu em cũng thấy ức chế, nhưng giờ quen rồi”.

Nụ cười luôn nở trên môi cô gái đầy nghị lực này.

Khó khăn là vậy nhưng cô Thủ khoa không hề chùn bước. Vừa học vừa làm thêm làm cho tổ chức phi chính phủ của Australia, Hồng đã giành được cơ hội đi tập huấn ở nước ngoài. Đây cũng chính là dấu mốc trong hành trình đầy nghị lực và bản lĩnh của em: “Tổ chức ACCV (Australia Charity For Chirdlen Of Vietnam) có một chương trình dạy tiếng Anh cho các bạn khiếm thị tại Hà Nội. Em tham gia theo học tiếng Anh tại đây hơn một năm thì được nhận vào làm và mình phụ trách Dự án Dạy tiếng Anh và Tin học cho các bạn khiếm thị. Em là trợ giảng cho các thầy cô giáo nước ngoài, với nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu cho giáo viên và chuẩn bị tài liệu chữ nổi cho các bạn học viên. Tổ chức đã tạo điều kiện cho em sang Australia tập huấn trong vài tháng để học về phần mềm đọc màn hình chữ nổi (NVDA), học về chữ nổi là chữ tắt tiếng Anh… Sau đó, về hướng dẫn cho các bạn tham gia chương trình hỗ trợ”.

Đến tháng 4/2017, ACCV rút khỏi Việt Nam, khi đó là Hồng đang là sinh viên năm thứ 2. Sau đó, em chỉ tập trung vào việc học và ra trường sau 3 năm rưỡi.

Bình thản bước qua biến cố

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hồng đang tiếp tục làm xoa bóp vì chưa xin việc làm: “Khi em đi làm xoa bóp mọi người rất bất ngờ. Người nhẹ nhàng thì bảo “mày cũng đi làm xoa bóp à?”, người nặng lời thì bảo “Đấy, mang tiếng đi học, tốt nghiệp thủ khoa cuối cùng cũng thế mà thôi”… nhưng em đã từng đi làm xoa bóp và em quen với môi trường đó, nên em thấy bình thường. Nhưng có những người lại không vượt qua được như em”.

Từ khi đi làm, năm 2007, lúc đó Hồng 19 tuổi, em đã không còn phải xin tiền bố mẹ. Hồng cho biết, thời gian tới nếu chưa tìm được việc, em vẫn sẽ làm xoa bóp.

“Không thể không làm gì được vì em vẫn phải sống. Sau khi tốt nghiệp em đã đi nộp hồ sơ, nhưng qua được vòng hồ sơ, đến vòng phỏng vấn đầu tiên là bị loại. Em đã nộp hồ sơ ở khoảng chục nơi, chủ yếu là vào các tổ chức phi chính phủ có dự án hỗ trợ cho người khuyết tật. Nhưng họ nghĩ rằng em không nhìn thấy thì rất khó để làm việc, không đảm bảo được công việc và họ từ chối”, Hồng cho biết.

Mong muốn hiện nay của Hồng là tìm được một công việc đúng với chuyên ngành công tác xã hội, chuyên hỗ trợ người khuyết tật. “Bản thân em đã bỏ lỡ 6 năm. Cho đến khi vào Hội, em đã nhận được nhiều sự giúp đỡ để có được bước ngoặt cho cuộc đời mình. Nếu không có những sự giúp đỡ đó sẽ không có em của ngày hôm nay. Với các bạn khuyết tật, sự giúp đỡ đó sẽ thay đổi cuộc sống, thậm chí tạo thành bước ngoặt để thay đổi hoàn toàn, để trở thành người tự tin, có một cuộc sống ổn định và hạnh phúc”, Hồng cho biết.

Bản lĩnh, sự giỏi giang đã giúp Hồng có được sự bình thản đến vậy trước những khó khăn.

“Chị hỏi vì sao em vượt qua được, thì bây giờ em cũng không hiểu làm sao mình làm được nữa. Đơn giản đó là một ấn tượng kinh khủng, đáng sợ. Tâm lý có cơ chế chối bỏ, nên những gì xấu và mình không muốn nhớ lại thì tự nhiên em sẽ quên đi”./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghi-luc-phi-thuong-cua-nu-thu-khoa-khiem-thi-truoc-bien-co-cuoc-doi-973512.vov