Nghị lực phi thường của cô gái xương thủy tinh

Với thân hình nhỏ bé, cao 80 cm, nặng chưa đầy 22kg, không ai nghĩ rằng cô gái 35 tuổi Nguyễn Thị Thu Thương lại là Giám đốc một trung tâm dạy nghề với mức thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật. Mới đây, chị đã được Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội tuyên dương với sản phẩm sáng tạo tranh giấy đa màu sắc từ phế liệu.

Xương có thể gãy nhưng tinh thần thì không

Khác hẳn với vẻ ngoài bé nhỏ, mong manh, chị Thương có thể nói chuyện và điều khiển công việc liên tục trong nhiều giờ. Vừa nói chuyện với phóng viên, chị vừa bán hàng qua mạng, trò chuyện với khách hàng qua điện thoại bằng những ngón tay bé xíu như tay trẻ lên ba. Bên cạnh chiếc giường là đủ thứ vật dụng được đặt xoay tròn để chị tiện lấy sử dụng...

Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, chị Thương kể, chị sinh ra là con thứ trong gia đình nghèo đông anh em tại xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Nội). Bố là công nhân xây dựng, mẹ làm nông nghiệp và sửa chữa quần áo tại nhà. Chị là người duy nhất trong gia đình mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.

Vì xương yếu nên chị không thể đi học cùng bạn bè. Tuổi thơ của chị là những giọt nước mắt đau đớn khi hết lần này tới lần khác bị gãy xương, có khi chỉ là thay bộ đồ, bị ngã, có khi chị em bạn bè vui đùa va phải... Bất cứ va chạm nào cũng có thể khiến chị đau, phải nằm bất động nhiều tháng.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương, Nguyễn Thị Thu Thương

Sức khỏe yếu nhưng chị Thương vẫn đòi mẹ dạy chữ để biết đọc, viết. Chị còn đòi đi học nghề nhưng bố mẹ không cho. Sau nhiều lần thuyết phục, bố mẹ cũng đồng ý cho chị đi học nghề và làm sản phẩm thủ công đơn giản. Từ đó, chị mày mò làm các sản phẩm với mẫu mã đa dạng, phong phú như đèn bàn, áo len, lọ hoa...

Năm 2014, sau khi tham gia chương trình Nick Vujicic ở Việt Nam, chị Thương nảy ra ý định thành lập trung tâm hỗ trợ, đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật, giúp họ có việc làm. “Tôi muốn làm gì đó giúp đỡ cho những người khuyết tật có cuộc sống hạnh phúc. Qua đó, họ không còn cô đơn mặc cảm, hội nhập với xã hội tự tin hơn”, chị Thương chia sẻ.

Thế rồi, ngày 16/3/2014, chị Thương đã khai trương Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương tại Phú Xuyên (Hà Nội). Trung tâm vừa dạy nghề làm tranh giấy cuộn cho các bạn trẻ khuyết tật, vừa là xưởng sản xuất.

Chị tâm sự: "Lúc đầu tôi không bán được hàng. Tôi tìm nguyên liệu rất khó vì ở Việt Nam không sản xuất giấy đáp ứng được yêu cầu để làm sản phẩm tranh. Giai đoạn sau sản phẩm bán không được giá, chưa cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất khác. Có những thời điểm tôi thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc nhưng nhờ sự ủng hộ của gia đình, tôi luôn cố gắng vượt qua”.

Dạy nghề miễn phí cho học viên khuyết tật

Ngay khi khai giảng, trung tâm của chị Thương đã đón nhận 13 em vào học. Mỗi em mang trong mình một khiếm khuyết hình thể hoặc tâm lý riêng. Tất cả các em, giống như "chị Thương" của đều tích cực, cần mẫn tự lao động, để có một cộng đồng nhỏ, sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng lớn cuộc đời.

Lan Hương là một thành viên của trung tâm. Trước khi đến đây cô từng bị trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai nhưng nay cô có công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc với người chồng khiếm thị. Mối nhân duyên này cũng nhờ chị Thương mai mối qua lớp học làm tranh giấy.

Văn Hướng (18 tuổi, quê ở Tuyên Quang), một học viên mới của trung tâm bị liệt chân bẩm sinh. Sau khi biết đến trung tâm, Hướng đã tìm đến đây để học nghề và có một công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân.

Chị Nguyễn Thị Thu Thương nằm trên bàn dạy nghề cho các em khuyết tật

Hiện nay, Trung tâm có trên 10 lao động là người khuyết tật. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong đó phần lớn là tại Phú Xuyên. Lương tháng của các em dao động từ 1,5 – 2 triệu đồng tùy vào sức khỏe và tay nghề. Các em khuyết tật đến trung tâm được hỗ trợ 80% phí ăn ở và học nghề miễn phí.

“Bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên rất hiểu những khó khăn các học viên đang gặp. Tôi mong muốn số tiền lương đó không chỉ giúp trang trải cho cuộc sống mà còn có thể giúp các em thực hiện những hoài bão riêng”, chị Thương trải lòng.

Để bán được nhiều sản phẩm hơn, chị Thương đã mở thêm Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Thương Thương HandMade ở quận Đống Đa (Hà Nội) và một website để tiện bán hàng. Sản phẩm chủ yếu của công ty chị là hàng lưu niệm handmade như tranh, hộp card, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt, hộp bàn cờ, các loại tranh phong cảnh trang trí bằng giấy cuốn, tranh chân dung, tranh logo thương hiệu của các công ty…

Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Thương cho biết: “Tôi chỉ có duy nhất mong muốn sản phẩm sẽ được biết đến nhiều hơn, có thể vươn xa ra nước ngoài để Trung tâm có thể duy trì, mở rộng. Các học viên luôn có công ăn việc làm, tự kiếm tiềm lo được cho bản thân”.

Trí Nhân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-xuong-thuy-tinh-d2061366.html