Nghị lực phi thường của cô bé mồ côi vừa đi học, vừa nuôi bà và em

Mẹ mất khi mới 5 tuổi, gần 1 năm sau cha đi bước nữa để Siu H'Bắc cùng đứa em trai chưa đầy 1 tuổi nương nhờ bà ngoại đã già yếu. Tuy nhiên, số phận không quật ngã được ý chí của cô học trò nhỏ người dân tộc Jrai.

Không có ăn cũng quyết đi học

Từ sáng sớm, chúng tôi tìm đến nhà chị em Siu H’Bắc (15 tuổi - học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Hlốp, H.Chư Sê, Gia Lai) và em trai Siu Nam (12, học sinh lớp 6). Ở cái đất Ia Hlốp này, hai chị em H’Bắc đã không còn xa lạ. Vì các em đã quá “nổi tiếng” không chỉ về sự bất hạnh mà còn bởi nghị lực, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Lá mì đã giúp 3 bà cháu tồn tại trong thời gian dài

Lá mì đã giúp 3 bà cháu tồn tại trong thời gian dài

Buổi sáng 2 chị em còn đang đi học, chúng tôi loanh quanh khắp ngôi làng và đã được nghe về số phận không may mắn của hai chị em. Mẹ sinh được Siu Nam khoảng 5 tháng thì trên cơ thể bắt đầu nổi những hạch nhỏ. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên gia đình không thể đưa đi chữa trị. Bệnh tật, nghèo đói đã “lấy đi” người mẹ của 2 em. Chưa đầy 1 năm sau, người cha đi bước nữa, bỏ 2 chị em cho bà ngoại đã già yếu nuôi dưỡng.

Tiếng khóc nức nở của những đứa trẻ phát ra từ trong căn nhà tôn xiêu vẹo khiến dân trong làng ai cũng xót xa. Siu Nam 1 tuổi khát sữa khóc suốt ngày. Ban ngày, bà ngoại bế Nam đi khắp làng xin sữa bú, xin nước cơm cho uống. Tối đến, bà chỉ biết đưa bầu vú của mình cho cháu ngậm đỡ khóc. Để tồn tại 3 bà cháu sống dựa vào lá mì (cây sắn) để làm thức ăn. Từng ấy thời gian, 3 bà cháu chưa biết đến thuốc thang là gì, ốm đau để lâu nó tự khỏi.

Cuộc sống của 3 bà cháu nhà Siu H’Bắc cứ thế trôi qua từng ngày. Những hôm khỏe thì bà đi làm thuê cho người dân trong làng kiếm ít gạo, mót ít mì, khoai… để cho 2 chị em ăn lấp cái bụng đói đến lớp. Nghĩ tủi thân và thương bà, Siu H’Bắc nhiều lần ý định nghỉ học, nhưng bà ngoại nhất quyết không cho.

Nhờ sự đảm đang của H’Bắc, hiện 3 bà cháu không phải chạy cơm từng bữa

Ông Kpui Phich – Công an viên xã Ia Hlốp, nhà cạnh 3 bà cháu cho biết, những năm trước, nhà chỉ 1 trận gió lớn là tôn bay phấp phới, ở trong nhà như ở ngoài trời. Vào đầu năm nay, chính quyền xã vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn ủng hộ vật liệu xây dựng, rồi người dân trong làng góp công xây cho 3 bà cháu căn nhà nhỏ che mưa, che nắng.

Nghị lực phi thường của cô bé mồ côi

Vừa dứt câu chuyện với hàng xóm xung quanh nhà, H’Bắc cùng em trai đi học về. Bây giờ đã gần 12 giờ trưa, H’Bắc vội vo gạo nấu cơm. Vừa xong, H’Bắc cầm theo chiếc gùi đi ra phía sau nhà để hái ít là mì, chế biến món chính cho cả nhà ăn trưa nay.

Khóe mắt rưng rưng, cố gắng kìm nén sự xúc động, H’Bắc kể lại hoàn cảnh bi đát lúc mẹ vừa mất: “Mấy năm đầu, cuộc sống dựa hoàn toàn vào bà ngoại. Bữa đói, bữa no, cả 3 bà cháu dựa vào nhau mà sống. Những lúc không có cơm ăn, bà hái ít rau rừng luộc lên cho 2 chị em ăn để đi học. Em học đến lớp 5, bà ngoại không còn đi làm thuê được nữa nên em bắt đầu đi làm. Mọi người trong làng biết hoàn cảnh nên có công việc gì là thuê em làm”.

Ba bà cháu sống vui vẻ bên nhau

Công việc đầu tiên H’Bắc được thuê là đi đổ mủ cao su. H’Bắc phải đi làm từ 12 giờ khuya cho đến 5 giờ sáng hôm sau. Về nhà chỉ kịp tắm rửa, H’Bắc lại cắp sách tới trường. Đến 12 giờ trưa đi học về lại ra điểm thu mua mủ cao su để làm việc. Mỗi tháng em được trả 1,5 triệu đồng. Khi hết việc làm mủ cao su, H’Bắc đi bắt cua ngoài đồng để bán. Số tiền kiếm được, cùng với khoản trợ cấp dành cho trẻ mồ côi, 2 chị em H’Bắc và Nam đã dìu dắt nhau vượt khó để đến trường và nuôi bà ngoại.

Sau bao năm vất vả, đã tôi luyện cho H’Bắc một ý chí vươn lên mạnh mẽ. Khác hẳn với các bạn bè cùng trang lứa, H’Bắc chu toàn mọi việc từ nhà đến việc học. Mọi việc từ hái cà phê, gặt lúa, bắt cua, trồng rau đến nuôi gà... H’Bắc đều làm rất thuần thục. Dù chưa được no đủ, nhưng giờ 3 bà cháu đã không phải chạy ăn từng bữa.

“Vất vả nhiều rồi cũng thấy quen, có khi thấy rất bình thường. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh 3 bà cháu thui thủi thì tủi cực đến phát khóc, nhất là vào những ngày lễ tết, bạn bè được sum vầy cùng cha mẹ, còn chị em em thì lẻ loi...”, H’Bắc nói trong xúc động.

Em Siu H’Bắc là vận động viên điền kinh của H.Chư Sê

Sở trường H’Bắc là chạy điền kinh cự ly dài. Gần như năm nào, nhà trường cũng cử em đi thi điền kinh. Từ các giải cấp huyện cho đến cấp tỉnh, em đều đạt được thành tích cao. “Chắc do em đi bộ, leo trèo nhiều nên có được sự dẻo dai trong khi chạy. Dù có năng khiếu điền kinh nhưng em sau này không đi theo. Ước mơ của em là làm công an để bảo vệ được em trai và bà”, H’Bắc hồn nhiên nói về ước mơ sau này.

Lúc tiễn khách ra ngõ, trên khuôn mặt sáng láng, tôi thấy đôi mắt H’Bắc ẩn chứa đầy những thiệt thòi, nhưng cũng cực kỳ nghị lực. Nhìn đôi mắt đó, chúng tôi tin H’Bắc sẽ thực hiện được ước mơ của mình để tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho em và bà ngoại.

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nghi-luc-phi-thuong-cua-co-be-mo-coi-vua-di-hoc-vua-nuoi-ba-va-em_82249.html