Nghị lực phi thường của cậu bé vượt biên giới tìm mẹ

Mẹ bị bán sang Trung Quốc, mồ côi cha khi mới 13 tuổi, anh Cao Văn Quân (ở thôn Bắc Mã 2, xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) phải sống vất vưởng một mình. Tình cờ nghe một phụ nữ nói thấy mẹ ở bên kia biên giới, anh đã vội vã đi tìm. Để rồi, một cuộc đoàn tụ đầy cảm động của người mẹ và cậu con trai nhỏ nơi xứ người.

Vợ chồng anh Quân hiện nay. Ảnh: N.Phong

Tổ ấm tan vỡ

Nhiều năm trôi qua, nhưng câu chuyện đi tìm mẹ năm xưa vẫn in đậm trong trí nhớ của anh Quân. Hồi ấy ở cái tuổi 13, anh đã phải gánh trên mình một trọng trách lớn khó ai có thể tin được. Đó là hành trình một mình sang Trung Quốc tìm mẹ. Thuở nhỏ, anh Quân cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cuộc sống vùng quê nên gia đình nào cũng khó khăn, lúc đói lúc no, nhưng trong nhà luôn đầy ắp tiếng cười.

Kinh tế gia đình anh Quân ngoài việc trông chờ vào đôi bàn tay của người cha, còn phụ thuộc rất nhiều vào gánh hàng đi chợ hàng ngày của người mẹ. Cuộc sống gia đình cứ êm ả như thế trôi đi. Nhưng đến một ngày đầu mùa đông giá rét năm 1988, như thường lệ, buổi tối bên mâm cơm, anh Quân cùng mọi người chờ mẹ đi chợ về, nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Tối khuya mà mẹ vẫn chưa về, gia đình anh tá hỏa chia nhau đi tìm. Cả đêm cùng hàng xóm, người thân thắp đèn đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng tin tức về người mẹ vẫn biệt tăm khiến anh không khỏi lo lắng.

Dù được cha động viên rằng chắc mẹ có việc đi đâu đó, nhưng trong lòng anh Quân vẫn nơm nớp, bất an. Anh lang thang khắp các chợ ở Cẩm Phả để tìm kiếm mẹ, nhưng mọi kiếm tìm vẫn rơi vào vô vọng. Trên hành trình lang thang tìm mẹ, đã không ít lần anh mệt, ngất đi vì đói. Một ngày, hai ngày, rồi cả tháng không thấy mẹ về, anh biết rằng đã có chuyện không hay đã xảy ra với mẹ. Nghe hàng xóm đồn nhau có thể mẹ anh bị bán sang Trung Quốc, anh càng tuyệt vọng.

Thế rồi, bố anh đi thêm bước nữa với một người ở xã kế bên. Được gần 2 năm thì bố anh qua đời sau cơn bạo bệnh, mẹ kế chuyển đi nơi khác sinh sống, anh trở thành đứa trẻ bơ vơ năm 13 tuổi. Hàng ngày, anh phải tự đi kiếm củi, làm thuê để có tiền đi học và nuôi thân.

Hành trình vượt biên tìm mẹ

Tưởng chừng cuộc sống đã cạn tuyệt với anh Quân, nhưng rồi số phận lại run rủi cho anh gặp người phụ nữ tên Loan (ở Chí Linh, Hải Dương) năm xưa hay đi chợ buôn bán cùng mẹ mình. Chớp lấy cơ hội, anh hỏi thăm tin tức về người mẹ lưu lạc bấy lâu. Bà Loan cho biết đã từng gặp mẹ anh đi chợ bán khoai ở Kiến Trì (Quảng Đông, Trung Quốc). Mừng rỡ, anh Quân đã nài nỉ, van xin bà giúp đỡ.

Anh Quân nhớ lại: “Nghe tôi nài nỉ xin giúp đỡ, bà Loan lắc đầu ngao ngán nói rằng tôi còn quá nhỏ, sức khỏe yếu, không có tiền, không biết tiếng, sang Trung Quốc khó có thể sống được chứ chưa kể đến việc tìm mẹ. Bà Loan quay đầu bỏ đi, tôi liền chạy đến ôm lấy chân bà tiếp tục nài nỉ. Chắc bởi thương hại tôi mồ côi mất cha, không còn chỗ nương tựa nên bà đã đồng ý”.

Bà Loan đưa anh Quân sang Trung Quốc trên một chiếc tàu nhỏ, xuất phát từ Móng Cái. Nhưng rồi, hành trình tìm mẹ của anh cũng chẳng dễ dàng chút nào. Đến Kiến Trì, anh phải đi làm thuê để lấy tiền trả nợ tàu xe cho bà Loan. Ở xứ người, bất đồng ngôn ngữ càng khiến công việc kiếm sống của anh Quân vất vả hơn. Sau gần 1 năm ròng gánh đá thuê cho các nhà trong làng, làm cửu vạn trong chợ, số tiền mà anh Quân dành dụm cũng đủ để trả nợ bà Loan và dư dả chút ít.

Trả nợ xong, anh được bà Loan đưa đến nơi mẹ anh đang sinh sống. Nhìn bóng dáng mẹ xa xa, hai dòng nước mắt anh lã chã rơi. Anh vui mừng khôn xiết, chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Khoảnh khắc ấy suốt đời anh không thể nào quên. Nhìn dáng người nhỏ thó, gầy guộc, nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, anh càng thương mẹ hơn. Hàn huyên với mẹ, anh được biết mẹ bị lừa bán cho một người đàn ông góa vợ khi đang gánh hàng ở Móng Cái. Rất nhiều lần bà bỏ trốn khỏi Trung Quốc, nhưng tất cả các cuộc trốn chạy đều bị phát hiện, bị đánh đập tàn nhẫn.

Thương mẹ, anh quyết định ở lại làm việc quần quật ngày đêm với hi vọng kiếm được nhiều tiền chuộc mẹ về. Nhưng đến khi tích cóp được gần đủ tiền chuộc thì mẹ anh lại quyết định ở lại Trung Quốc. “Bà nói ở Việt Nam bố tôi đã mất, gia đình đã không còn gì, người chồng ở đây cũng đối xử tốt với bà nếu bà không bỏ trốn. Thương mẹ, tôi quyết định ở lại sống với mẹ”, anh Quân kể lại.

Trong thời gian sinh sống tại Trung Quốc, anh nghe tin có người con gái Việt Nam vừa bị bán sang và không chịu lấy ông lão 80 tuổi nên bị đánh đập dã man. Nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ trước đó, anh liền tìm đến nơi nhốt cô gái. Cảm thương hoàn cảnh của cô gái bị đánh đập, anh đã quyết định tham gia cuộc mua bán để cứu cô gái tội nghiệp. Sau một hồi thương thảo, anh “mua” được cô gái với giá 30.000 nhân dân tệ. Và sau đó, cô gái ấy (tên là Nguyễn Thị Tuyền) đã trở thành người vợ, cùng anh chia sẻ buồn vui trong cuộc sống đến tận bây giờ.

Nghĩ mình không thể bôn ba xứ người mãi, vợ chồng anh Quân bàn nhau trở về Việt Nam. Dù bắt đầu lại cuộc sống với hai bàn tay trắng, nhưng với bản tính chăm chỉ làm ăn, giờ đây gia đình anh cũng khấm khá, mỗi khi nghĩ lại đoạn đường tìm mẹ đã qua, anh vẫn không nguôi ngoai trong lòng.

N.Phong - Đ.Lực

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nghi-luc-phi-thuong-cua-cau-be-vuot-bien-gioi-tim-me-20180807084956776.htm