Nghị lực mùa thi: 'Mẹ lo không có ai nuôi con'

Cô học trò giỏi Phạm Thị Hằng vẫn luôn ám ảnh bởi câu nói của người mẹ già yếu: 'Mẹ lo không có ai nuôi con'.

Phạm Thị Hằng trong căn nhà nghèo khó - Ảnh: V.T

Phạm Thị Hằng là học sinh lớp 12A1 Trường THPT Cộng Hiền, H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng. Hằng sinh ra đã chịu thiệt thòi hơn so với các bạn do thiếu bàn tay chăm sóc của bố. Hằng kể, bố mẹ sinh em ra lúc tuổi đã cao (bố 60 tuổi, mẹ 42 tuổi). Bố lại có gia đình riêng ở một tỉnh khác, nên bà Bùi Thị Mừng (mẹ Hằng) phải một mình làm ruộng nuôi em khôn lớn.

“Từ nhỏ em đã không được bố chăm sóc, mẹ đưa em về ở với ông ngoại tại thôn Thâm Động, xã Đồng Minh, H.Vĩnh Bảo. Ông ngoại lại có tới 10 người con, gia cảnh nghèo khó. Có chút lương cựu chiến binh và tiền tuất của bác cả là liệt sĩ, ông đã dành hết để nuôi em ăn học”, Hằng xúc động kể về hoàn cảnh của mình.

Năm 2013, khi Hằng đang học lớp 7 thì ông mất, mẹ con Hằng mất đi một chỗ dựa lớn trong cuộc đời. “Em ở với ông từ nhỏ, nên ông như người cha của em. Hôm ấy ông bị mệt, mọi người đưa đi viện 1 ngày, đến tối thì đưa về. Ông nắm chặt tay em được khoảng 20 phút, khi em buông tay ra thì ông mất”, Hằng nghẹn ngào nhớ lại. Ông mất, rồi bố cũng mất, khiến em cảm thấy hụt hẫng. “Bố không nuôi em, nhưng là người sinh ra em, nên hôm bố mất, em khóc nhiều lắm”, Hằng kể.

Từ ngày ông ngoại mất, sức khỏe của bà Mừng cũng ngày một yếu đi, cuộc sống của hai mẹ con càng khó khăn hơn do nguồn thu nhập chính chỉ từ mấy sào ruộng. “Mẹ vẫn cố gắng lo cho em ăn học nhưng không đủ. Tiền mua phân bón ruộng mẹ vẫn phải nợ hơn 10 triệu đồng chưa biết đến bao giờ trả được”, Hằng chia sẻ.

Năm nay, bà Mừng đã 60 tuổi, lại có nhiều bệnh tật nên không làm việc nặng nhọc được nữa. Thế nhưng bà vẫn cố làm để nuôi con. “Dù bị huyết áp cao và bệnh tim, nhưng mẹ vẫn cố đi làm đồng. Có hôm đang làm thì mẹ bị ngất ở ngoài đồng, được những người cùng làm phát hiện đưa về. Mẹ bị ngất như thế mấy lần rồi”, Hằng lo lắng kể.

Dù hoàn cảnh éo le nhưng suốt 12 năm học, Hằng luôn là học sinh giỏi và đoạt giải nhiều môn thi. Ở tiểu học, khi đi thi học sinh giỏi cấp huyện, năm lớp 4 Hằng đã được giải khuyến khích môn toán, lớp 5 đoạt giải khuyến khích môn văn. Lên THCS, Hằng tiếp tục được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi thi môn tiếng Anh (lớp 6, lớp 7) và đội tuyển thi môn hóa (lớp 8, lớp 9).

Trong các kỳ thi này, năm lớp 9 Hằng đoạt giải ba môn hóa cấp thành phố. Lên lớp 10, em đoạt giải khuyến khích môn hóa cấp huyện và 2 năm lớp 11, lớp 12 đều tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện môn hóa. Năm lớp 12, Hằng có mức điểm trung bình các môn học thuộc top cao nhất lớp là 8,9 điểm.

Hằng và mẹ đều gầy rộc. Hiện bà Mừng phải uống thuốc thường xuyên để chữa bệnh huyết áp, tim mạch và bướu cổ. Căn nhà cấp 4 hai mẹ con đang ở là của ông ngoại Hằng để lại, rộng khoảng 30 m2, tuềnh toàng với 1 cái giường, 1 cái chạn bát, 1 căn buồng nhỏ cùng những vật dụng không đáng giá. Nhà cũng có chiếc ti vi cũ và tủ lạnh được các dì, các cậu của Hằng cho, nhưng hai mẹ con cũng không dám dùng vì không trả được tiền điện. Hỏi về bữa ăn của em có đầy đủ không, Hằng nói: “Gạo thì có đủ nhưng thức ăn bữa có, bữa không. Hôm nào có đám cỗ, mọi người mang phần về cho thì em được ăn nhiều...”.

Vũ Thơ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nghi-luc-mua-thi-me-lo-khong-co-ai-nuoi-con-1097946.html