Nghị lực mùa thi: Cô học trò nhỏ vượt lên nghịch cảnh

Ba mất sớm, mẹ bị bệnh nặng, cô học trò Lê Mai Như Ý vẫn từng ngày nuốt nước mắt vào trong, nuôi ước mơ vào đại học để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Ba chị em Như Ý miệt mài học tập dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn - Ảnh: Nữ Vương

[VIDEO] Con vẫn yêu mẹ dẫu cuộc đời không "như ý"

“Con muốn mẹ được đòi hỏi cho bản thân mình vài thứ, con muốn mẹ luôn đẹp trong mắt người khác như cách mẹ đã chăm sóc con, con muốn mẹ có ngày 8.3 vui vẻ như bao nhiêu người phụ nữ khác, con không muốn mẹ còn âm thầm khóc một mình vì những gánh nặng, áp lực mà mẹ phải chịu đựng… Con luôn sợ là một lúc nào đó, mẹ sẽ không còn bên con nữa. Sẽ không còn ai tiếp cho con thêm sức mạnh, dũng khí để con vượt qua khó khăn. Và sẽ chẳng còn ai chăm sóc, yêu thương con…”.

Những dòng tâm thư gửi mẹ của Lê Mai Như Ý (lớp 12A1, Trường THPT Cần Thạnh, H.Cần Giờ, TP.HCM), tại buổi lễ trưởng thành ở trường, đã gây xúc động cho các phụ huynh, thầy cô và bạn bè. Bởi những tâm tư này cũng chính là nỗi niềm, là những giọt nước mắt mà Như Ý đã nén vào trong suốt bao năm qua để cố gắng từng ngày, để là nguồn động lực giúp mẹ vượt qua bệnh tật.

Đấy cũng là nỗi sợ mà bao nhiêu năm cứ canh cánh trong lòng cô học trò nghèo. Thiếu thốn tình thương của ba từ nhỏ, lớn lên trong vòng tay của người mẹ bệnh tật, nên chưa một phút giây nào, cô học trò này thôi ngừng lo lắng, sợ hãi. Em sợ một mai, bệnh tật sẽ cướp đi tình yêu thương cuối cùng của em; em sợ chưa kịp báo đáp cho mẹ một bữa ăn có đủ cá, thịt, hay một căn nhà đàng hoàng hơn cho mẹ ở...

[VIDEO] Bài phát biểu xúc động của nữ sinh Như Ý gửi mẹ

Về TT.Cần Thạnh, H.Cần Giờ vào một ngày giữa tháng 6 oi ả, trong căn nhà dựng tạm bợ, xiêu vẹo nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, là 3 chị em đang miệt mài với từng trang sách. Đấy là Như Ý và 2 đứa em trai sinh đôi.

Ngồi học bài mà mồ hôi của 3 chị em chảy dài trên mặt, lưng áo thì ướt sũng, vì căn nhà các em đang ở có khác nào lò sưởi giữa trưa hè. Căn nhà thấp kín, ba bên bốn bề đều là những miếng tôn chắp vá, dựng tạm bợ. Chưa bao giờ tôi có cảm giác bất an như lần đấy, cảm giác căn nhà có thể sụp bất cứ lúc nào.

Hỏi ra mới biết, căn nhà chỉ dựng tạm để che mưa che nắng cho cả gia đình trên mảnh đất của nhà nước và không biết sẽ bị giải tỏa bất cứ lúc nào. Nói là che mưa, che nắng nhưng trời nắng thì nóng ran người, mưa thì dột tơi tả. Nhưng Ý nói: “Thế này là may lắm rồi đấy ạ. Trước đây, 4 mẹ con còn nay đây mai đó, không có nhà để mà ở”.

Trong căn nhà không có một vật gì là quý giá ngoại trừ những tấm bằng khen treo kín các vách. Trong suốt những năm qua, cả 3 chị em năm nào cũng đạt thành tích học sinh giỏi. “Mẹ bảo, chỉ cần nhìn thấy các con học giỏi, thì mẹ mới có động lực vượt qua tất cả. Mẹ còn bảo, mẹ có thể mất bất cứ lúc nào, mẹ sẽ không thể để lại cho tụi em được tài sản gì ngoài vốn kiến thức để tụi em tự tin bước vào đời. Nhiều đêm nhìn thấy mẹ khóc thầm, em cố nuốt nước mắt vào trong để cố gắng mỗi ngày”, Ý bộc bạch.

Có lẽ vì thế, mà trong tâm thư gửi mẹ, Ý viết: “Con ước gì con có thể thay mẹ chịu những vất vả ấy, con muốn được san sẻ với mẹ mọi thứ”.

Chia tay Ý, trong đầu tôi vẫn ám ảnh về bữa ăn chỉ vỏn vẹn một quả trứng gà được đánh phồng lên chiên để đủ cho 3 chị em. Chợt nghĩ đến viễn cảnh tương lai của Như Ý, có thể em sẽ phải vừa làm cha vừa làm mẹ của 2 đứa em nhỏ, và rồi con đường đến trường của các em có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Mới thấy, mong ước mà mẹ đặt vào cái tên của em, trở nên xa vời biết nhường nào.

Nữ Vương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nghi-luc-mua-thi-co-hoc-tro-nho-vuot-len-nghich-canh-976466.html