Nghị lực hiếm có của cô nữ sinh Lô Lô

Ngày 12-11-2019 thật đáng nhớ với Tạ Thị Tâm, dân tộc Lô Lô, sinh viên năm thứ nhất, khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Tây Bắc, khi lần đầu tiên được về Thủ đô Hà Nội, tham dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu.

Sinh ra ở bản Tường Chung, xã Chiềng Chung, vùng đất heo hút nhất huyện Mai Sơn, từ nhỏ cô bé Tâm lớn lên cùng những hủ tục lạc hậu của bản làng. Dân tộc Lô Lô của Tâm thuộc nhóm 7 dân tộc dưới 5.000 người; tỷ lệ biết đọc, viết chỉ chiếm 54,5%. Bố mẹ em quan niệm, con gái không cần học cao, chỉ cần biết mặt chữ, rồi ở nhà giúp bố mẹ làm nương. Suy nghĩ lạc hậu đó của bố mẹ Tâm cũng như đồng bào nơi đây khiến gần 5.000 người dân tộc Lô Lô không có ai học lên đại học. Những cô gái vừa đến tuổi trăng tròn đã phải ở nhà làm vợ, làm mẹ của những đứa trẻ nheo nhóc. Đang học lớp 10, cô bé Tâm cũng nhiều lần bị bố mẹ ép ở nhà làm nương, chờ có người đến hỏi cưới.

 Em Tạ Thị Tâm nhận bằng khen trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019.

Em Tạ Thị Tâm nhận bằng khen trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, giáo viên Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn, Sơn La), giáo viên chủ nhiệm của Tạ Thị Tâm kể, có lần, em đến lớp với khuôn mặt buồn rười rượi, sách vở không mang. Hỏi ra mới biết em bị cha mẹ trót nhận lời hứa gả cho một chàng trai cùng xã. Nhà trai đã cho người tới định bắt về. Em phải chạy trốn khỏi nhà giữa đêm khuya, áo quần lấm lem bùn đất... Thế mới biết, đối với một số gia đình đồng bào DTTS, chỉ vì một lời hứa hôn hay đôi khi một cuộc chuyện trò qua vài ghè rượu của hai bên gia đình cũng có thể đẩy cuộc đời biết bao bé gái rẽ sang một hướng khác.

Cô bé Tâm không cam chịu như vậy. Từ kiến thức học được, em thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả cùng những hủ tục mà người phụ nữ DTTS phải gánh trên vai từ đời này sang đời khác… Em không muốn lấy chồng, không muốn trở thành cô dâu với bao nỗi lo toan vất vả cho cuộc sống gia đình khi đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tâm ước sau này học lên cao hơn, có nghề nghiệp ổn định, chứ không muốn lặp lại cảnh cõng gùi ngược núi lên rừng trỉa hạt.

Đi cùng cô giáo Nguyễn Thanh Bình, chúng tôi có dịp vào thăm gia đình em Tâm. Con đường vào nhà em quanh co, gập ghềnh, qua nhiều đoạn đường đất đỏ trơn trượt; chúng tôi phải đi bộ vài ba cây số mới đến nơi. Cô nữ sinh nhớ lại: "Con dốc này là “ác mộng” của em vào mỗi ngày mưa. Sáng nào cũng vậy, cứ 4 giờ, khi con gà còn chưa cất tiếng gáy, em đã vội vàng chuẩn bị đến trường đấy cô ạ!".

Được biết, nhờ sự kiên trì “đàm phán” của các thầy cô giáo, cùng với sự vào cuộc của chính quyền xã, cuối cùng bố mẹ của Tâm đã bị thuyết phục, đồng ý cho em đến trường. Phía gia đình nhà trai vẫn không chịu, ba lần, bảy lượt tìm tới đòi “bắt”. Có lúc, họ kéo đến chật nhà em, đòi thực hiện một cuộc hôn nhân trái luật. Cuối cùng, trước ý chí không chịu bỏ học của cô trò nhỏ, nhà trai đành... chịu thua, ra về.

Cô Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, năm cuối cấp, mẹ Tâm thường xuyên đau ốm, không lao động được, vài ba tháng lại phải đi bệnh viện điều trị. Hiểu được nỗi vất vả của bố, mẹ, cô học trò nhỏ cố gắng học tập để đạt được học bổng. Tâm rất ham học, chỗ nào không hiểu, không làm được, em thử làm nhiều lần. Nếu không biết nữa, em hỏi lại thầy cô. Tiền học bổng, hỗ trợ chi phí học tập của nhà nước, em giữ một ít cho mình, còn lại gửi mẹ chi phí cho gia đình. Lâu lâu, cô học trò mới dám tự thưởng cho mình món quà bằng cách đi mua sách. Tuy nhiên, trước thời điểm thi đại học, ước mơ của cô học sinh Lô Lô một lần nữa phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Bố em, từ trụ cột chính trong gia đình bị tai biến, phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt của ông đều phụ thuộc vào mẹ và em. Trở thành lao động chính trong nhà nên trừ những buổi đi học, thời gian còn lại em phải đi nương rẫy. Thương bố mẹ, em càng cố gắng cáng đáng, mùa ngô trồng ngô, mùa lúa trồng lúa, không thì đi làm thuê. Tâm không muốn bố mẹ phải suy nghĩ, cứ cố gắng kiếm tiền để lo cho gia đình.

Có thể nói, ba năm theo học tại trường THPT Chu Văn Thịnh của Tạ Thị Tâm là cả một hành trình nhọc nhằn, vất vả. Vậy mà em luôn tâm niệm phải cố gắng hơn, không vì hoàn cảnh gia đình mà đổ lỗi hay nản chí. Em luôn tạo cho bản thân sự kiên trì và ý chí quyết tâm để đạt được thành công như lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền…” để thực hiện ước mơ, hoài bão cao đẹp của mình. “Em không sợ khổ, chỉ sợ phải nghỉ học. Em quyết tâm học tập để thay đổi cuộc đời”. Tâm bộc bạch.

Em Tạ Thị Tâm ghi cảm tưởng tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Sau khi nắm được hoàn cảnh đặc biệt của cô nữ sinh người dân tộc Lô Lô và tinh thần vượt khó, hiếu học của em, Ban giám hiệu Trường THPT Chu Văn Thịnh và Hội Chữ thập đỏ nhà trường rất quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ; quyên góp ủng hộ, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho Tâm. Cô học trò nhỏ không còn ngại khó, ngại khổ mỗi khi đến trường.

Chứng kiến cảnh bạn bè đồng trang lứa, trở thành cô dâu với bao nỗi lo toan, vất vả cho cuộc sống gia đình khi đang tuổi ăn, tuổi lớn, phải bỏ học vì chồng cấm không cho đến trường…, Tâm cùng các thầy cô giáo tới tận nhà nhiều để vận động các bạn khắc phục khó khăn, tiếp tục đi học. Em còn tham dự Cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học” năm 2016-2017 với đề tài “Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về tảo hôn cho học sinh dân tộc thiểu số trường THPT Chu Văn Thịnh, Mai Sơn, Sơn La”, đạt giải Nhì cấp tỉnh và đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia.

Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, năm 2019, nữ sinh Tạ Thị Tâm thi đỗ vào Trường Đại học Tây Bắc với số điểm khá cao, chắp cánh ước mơ cho cô nữ sinh giàu nghị lực, người dân tộc Lô Lô đầu tiên bước chân vào cánh cửa trường đại học.

Bài và ảnh: NGUYỄN CAO MAI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nghi-luc-hiem-co-cua-co-nu-sinh-lo-lo-612105