Nghị lực của một nữ cựu binh Trường Sơn

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về con đường Trường Sơn huyền thoại vẫn đọng lại trong tâm trí của nữ CCB Đặng Thị Xuân (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long). Những gian khổ của chiến tranh đã tôi luyện cho bà Xuân bản lĩnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường.

CCB Đặng Thi Xuân (thứ 7, trái sang) tại hội nghị tổng kết 5 năm Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

CCB Đặng Thi Xuân (thứ 7, trái sang) tại hội nghị tổng kết 5 năm Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh năm 1955 tại huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), năm 17 tuổi, cô gái trẻ Đặng Thị Xuân viết đơn xin nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 515, Sư đoàn 472, thuộc Đoàn 559. CCB Đặng Thị Xuân kể rằng: “Đơn vị của tôi chủ yếu là nữ chiến sĩ đến từ các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, tuổi còn rất trẻ. Cuối năm 1972, đơn vị chúng tôi được điều động cùng các đơn vị chủ lực vừa chiến đấu vừa tham gia mở rộng, làm mới một số tuyến đường để đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam”. Bà Xuân nhớ nhất đơn vị tham gia mở rộng đường 9 từ Cam Lộ đến cầu treo Đakrông nối đến cửa khẩu Lao Bảo và sang Hạ Lào dài hàng trăm km. Những đoạn đường này rất hiểm trở và hẹp, nhiều chỗ bị bom đánh phá phải làm mới hoàn toàn. Trong khi đó, máy móc thiết bị ít, chủ yếu làm thủ công, nguy hiểm luôn rình rập bởi máy bay địch ném bom, bom nổ chậm, mìn...

Vào đầu năm 1975, trước khi ta mở chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, có hàng trăm nữ chiến sĩ cùng bộ đội chủ lực vừa chiến đấu vừa mở rộng tuyến đường 14B. Đây là con đường huyết mạch quan trọng không chỉ nối các tỉnh Tây Nguyên mà còn nối giữa Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Tại một số điểm giao cắt, tuyến đường trước đây bị địch đánh phá ác liệt, rải nhiều chất độc hóa học. Không kể gian khổ, những nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến miệt mài cần mẫn đảm bảo an toàn tuyến đường, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa, đường sạt lở nhiều, nhiều đoạn lầy lội, xe ô tô không thể qua được. Chị em chiến sĩ cùng các đồng chí lái xe ngụy trang, chặt cây để lót đường cho xe qua.

Cùng với đó là rất nhiều con đường được bà Xuân cũng như nhiều nữ chiến sĩ khác rải khắp rừng núi Trường Sơn đại ngàn bảo vệ. Sau đó, CCB Đặng Thị Xuân được cấp trên điều động đi học lớp sơ cấp y tá và bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam.

Mặc dù tuổi đã cao lại mắc trọng bệnh nhưng CCB Đặng Thị Xuân vẫn tích cực với các hoạt động chăm lo cho các nữ đồng đội còn nhiều khó khăn.

Khi đất nước thống nhất, năm 1978, bà Xuân chuyển ngành về Viện Điều dưỡng 3 của Bộ Nông nghiệp đóng ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Sau đó, bà công tác tại Huyện ủy Hoành Bồ cho đến khi nghỉ hưu. Do di chứng của chất độc da cam, hơn 10 năm qua bà phải chống chọi với bệnh ung thư nhưng bà luôn dành tâm trí, sức lực của bản thân liên lạc kết nối với những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa.

Từ năm 2009, bà đã đi khắp các địa phương từ Đông Triều đến Móng Cái gặp gỡ Hội CCB để xin thông tin, danh sách, địa chỉ những chiến sĩ Trường Sơn để tập hợp liên hệ thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh. Sau thời gian thu thập đầy đủ thông tin và thống nhất, năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh được thành lập, bà được bầu là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn. Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh hiện có tổng số hơn 1.500 hội viên, trong đó có hơn 600 người là nữ cựu quân nhân, nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chiến đấu tại Trường Sơn.

CCB Đặng Thị Xuân tâm sự: “Những năm tháng chiến tranh họ là đồng đội của mình, trở về với đời thường cũng vậy, có nhiều chị em tuổi đã cao, hoàn cảnh rất khó khăn, sống neo đơn. Chúng tôi vận động trong hội viên, các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.

Tính đến nay, bà đã đứng ra vận động sửa chữa, xây mới gần 100 ngôi nhà cho nữ chiến sĩ Trường Sơn với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ chị em neo đơn thẻ BHYT, sổ tiết kiệm; vận động hàng nghìn suất quà trao cho chị em vào ngày Thương binh - Liệt sĩ, dịp lễ, tết...

Thành Dương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/nghi-luc-cua-mot-nu-cuu-binh-truong-son-2451198/