Nghị lực của cô giáo khuyết tật lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu

Dù bị liệt tứ chi nhưng cô Huỳnh Thị Xậm vẫn vượt qua sóng gió của cuộc đời để trở thành giáo viên dạy chữ cho những học viên cùng chung số phận. Hơn thế, cô còn lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do tập đoàn truyền thông BBC của Anh bình chọn

Vượt lên số phận

Nếu ai đã từng gặp cô Huỳnh Thị Xậm (40 tuổi, công tác tại trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM) đều sẽ chung nhận xét là cô có nụ cười rất tươi, hiền hòa, hoạt bát và ánh mắt trìu mến toát lên đầy vẻ lạc quan.

Bị khuyết tật tứ chi bẩm sinh nhưng cô gái miền sông nước Hậu Giang, Huỳnh Thị Xậm chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ buông xuôi theo số phận. Sinh ra trong gia đình nghèo khó có tất cả 6 chị em gái nhưng oái oăm thay, cô là người duy nhất bị liệt tứ chi. Chính vì vậy, cô phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi trong sinh hoạt thường nhật.

Để không bị thua thiệt với bạn bè cùng trang lứa, cô luôn nuôi khát vọng một ngày nào đó mình sẽ được đến trường học chữ. Biết được suy nghĩ của đứa con gái tật nguyền, người cha đã xin cho cô vào học ở một lớp mẫu giáo trường làng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cha cô đột ngột lìa trần sau một cơn bạo bệnh. Sáu miệng ăn lại đè nặng lên người mẹ đáng thương được bữa hôm lo bữa mai. Cũng từ đây, cô ngậm ngùi nuốt nước mắt tạm biệt trường lớp, cô giáo và bạn bè trong câm lặng.

Vượt lên số phận, Xậm tự vẽ những bức tranh sống động tô điểm cho cuộc sống.

“Thời gian dần trôi mau, tôi đã là một thiếu nữ 15 tuổi. Đây là tuổi ăn tuổi lớn nhưng thân hình tôi cũng chẳng khác nào một đứa bé lên 10. Nhìn mẹ nhọc nhằn kiếm sống trong khi chính mình lại là gánh nặng nhất nên tôi ngày càng bi quan, chán nản", chị chia sẻ.

"Tuyệt vọng, tôi tìm cách tự tử nhưng thần chết đã chối từ. Có lẽ, ông trời muốn tôi sống nên tôi nghĩ phải sống cho ra sống. Và một lần nữa, chưa bao giờ khao khát được học chữ trong tôi lại trỗi dậy mãnh liệt như thế. Tôi xin phép mẹ đến trường mầm non ở độ tuổi lẽ ra đã sắp xong bậc Trung học cơ sở”, cô giáo Xậm kể thêm.

Ngày được chạm con chữ, cô mừng đến rơi nước mắt. Bởi, đây sẽ là bước ngoặt để cô thực hiện những ước mơ còn dang dở. Sống ở vùng sông nước miền Tây, như bao cư dân khác, chị đến trường bằng xuồng. Với đôi tay co quắp, đôi chân xiêu vẹo lảo đảo, vào mỗi buổi sáng cô phải thức dậy từ rất sớm để đến trường.

Đoạn đường từ nhà đến trường hơn chục cây số, vượt qua những kênh rạch chằng chịt nhưng hiếm khi chị trễ hay nghỉ học. Với nghị lực phi thường, chị học xong Trung học phổ thông và thi đỗ tú tài năm 27 tuổi.

Nhớ lại những ngày đầu học chữ, chị cho biết: “Ban đầu, tôi học thuộc mặt chữ cái, sau đó mới dùng chân kẹp bút để tập viết. Mấy ngày đầu vì chưa quen, khe giữa ngón chân tóe máu, đau nhức. Không nản chí, tôi kiên trì qua từng ngày và rồi cũng viết ra được những nét chữ nguệch ngoạc. Viết mãi thì chữ cũng tròn, cũng rõ, dễ đọc”.

Trở thành cô giáo đa tài, giàu lòng thiện nguyện

Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2006 cô Huỳnh Thị Xậm rời Hậu Giang lên TP.HCM để học nghề. Điểm chị dừng chân là trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Với tứ chi tật nguyền, chị được thầy cô ở đây tư vấn học lớp Tin học. Khám phá những điều lý thú từ công nghệ thông tin, như cá gặp nước, chị ngày đêm miệt mài học tập và tiến bộ rõ nét qua từng ngày.

Thấy chị đam mê và có nhiều triển vọng trong học tập, ban Giám đốc trung tâm này đã quyết định cử chị đi học đại học khoa Xã hội học, trường đại học Mở TP.HCM để sau này về làm giáo viên cho trung tâm. Người em gái đều đặn nhẫn nại chở chị vượt qua hàng chục cây số từ huyện Hóc Môn lên quận 3 (TP.HCM) để đến trường trong suốt 4 năm học.

Xậm sống hòa đồng vui vẻ, được Giám đốc trung tâm tin tưởng, yêu quý.

“Ngày khoác chiếc áo cử nhân, di chuyển bằng xe lăn lên bục nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cảm xúc trong tôi thật lâng lâng khó tả vì chưa bao giờ tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ làm nên kỳ tích như thế này. Không biết nói gì hơn, tôi thầm cảm ơn người ba quá cố, cảm ơn gia đình, thầy cô đã cho tôi được hạnh phúc”, chị nhớ lại.

Trở về trung tâm, công việc chính của chị là quản lý thư viện và hướng dẫn các em học sinh khuyết tật đọc sách. Hằng ngày, chị luôn tỉ mẩn sắp xếp kệ sách ngăn nắp, khoa học như một thủ thư chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, chị còn được ban Giám đốc trung tâm bố trí thêm công việc dạy xóa mù chữ cho những học viên khuyết tật như câm, điếc, khiếm thị. Chị cảm thấy rất vui mừng mỗi khi các học viên ấy biết đọc, biết viết để giao tiếp với cuộc sống.

“Ngoài thời gian làm việc ở thư viện và dạy cho học viên khuyết tật, Xậm còn vẽ tranh bằng chân. Trước đó, Xậm được một họa sĩ dạy bài bản, miễn phí nên tranh em vẽ ra đẹp, có hồn và bức nào cũng mang một thông điệp nào đó về cuộc sống. Hầu như tranh của Xậm được bán đều đặn cho những mạnh thường quân đến thăm trung tâm”, cô Đinh Thị Hỏi, Giám đốc trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM tự hào.

Với những nỗ lực lao động không ngừng nghỉ, Xậm vừa lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu năm 2017 do tập đoàn truyền thông BBC của Anh bình chọn.

Chia sẻ với PV, chị Xậm cho biết, rất cảm động khi được truyền thông quốc tế biết đến và vinh danh. Chị thầm hứa sẽ cố gắng hơn nữa làm tốt công việc để không phụ lòng trung tâm và những người đã từng sát cánh, cưu mang mình.

Phan Hoài

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/co-giao-khuyet-tat-lot-vao-top-100-phu-nu-tieu-bieu-toan-cau-a380383.html