Nghị lực của chàng trai khuyết tật

Sở hữu một xưởng may 300 mét vuông, tạo việc làm cho 60 lao động, anh Phan Văn Tưởng (SN 1970), ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã chứng minh được dù thua thiệt sức khỏe nhưng người khuyết tật không thua kém về tinh thần và ý chí làm giàu.

Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, anh Phan Văn Tưởng bị khuyết tật, teo chân trái từ nhỏ, khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Học hết tiểu học, Tưởng xin nghỉ vì trường xa nhà. Nhưng với ý chí, lòng quyết tâm và niềm tin vào cuộc sống, Tưởng đã quyết định theo học nghề may. Anh Tưởng tâm sự: “Thời gian đầu đi học may, anh trai tôi là người đưa đón. Thương anh vất vả, tôi đã quyết tâm tập đi xe đạp, dù rất khó khăn nhưng sau một tuần tôi đã tự đạp xe bằng chính đôi chân của mình”.

 AnhTưởng hướng dẫn công nhân may sản phẩm

AnhTưởng hướng dẫn công nhân may sản phẩm

Nghề may đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, từng đường kim, mũi chỉ. Yêu cầu kỹ thuật cao là vậy nhưng chưa khi nào Tưởng nản lòng. Với một chân, anh kiên trì học cách đạp máy rồi học cắt, may thành sản phẩm. Có lẽ, bởi cái duyên với nghề mà anh học may rất nhanh và may khéo. Năm 1987, sau khi ra nghề, anh mở một cửa hàng nhỏ để phục vụ người dân địa phương. Đến năm 2010, anh Tưởng đã tìm tòi và bắt mối với các cửa hàng ở Hà Nội lấy hàng về may gia công. Tay nghề cao, lại cẩn thận, sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2011, anh Tưởng mở xưởng sản xuất, với diện tích 100m2 chuyên gia công áo véc, áo sơ mi công sở. Xưởng đắt khách, đơn hàng ngày càng nhiều, anh Tưởng đã giúp đỡ để người nhà cùng san sẻ công việc.

Hiện nay, xưởng may của anh đã được mở rộng với diện tích 300m2, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng may của anh Tưởng còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái Phan Duy Hưng cho biết, anh Phan Văn Tưởng là một điển hình trong phát triển nghề may ở Hồng Thái. Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng bằng nghị lực và niềm đam mê, anh Tưởng đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở xưởng may, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, anh còn giúp đỡ nhiều người có việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Qua đó góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với nghị lực vượt lên chính mình đáng khâm phục, mới đây, anh Tưởng vinh dự được Huyện ủy Phú Xuyên khen thưởng là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bài, ảnh: Nguyễn Vàn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nghi-luc-cua-chang-trai-khuyet-tat-350494.html