Nghỉ lễ 30/4, hàng trăm ca cấp cứu tai nạn giao thông do bia rượu

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 150 ca cấp cứu, 60% trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông trong đó có nhiều ca chấn thương sọ não do bia, rượu.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 5 ngày nghỉ lễ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 ca nhập viện cấp cứu. Trong số đó, 30 - 40 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép, nhiều trường hợp chấn thương sọ não do tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu.

BS Bùi Trung Nghĩa thăm khám cho bệnh nhân sử dụng rượu bia khi liên hoan bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. (Ảnh: BVCC)

BS Bùi Trung Nghĩa thăm khám cho bệnh nhân sử dụng rượu bia khi liên hoan bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. (Ảnh: BVCC)

Đặc biệt, ngày 29/4, trong số những nạn nhân cấp cứu do tai nạn đã có 6 trường hợp tử vong hoặc lâm vào tình trạng nguy kịch, không có khả năng cứu chữa, được gia đình xin về. Đến sáng 1/5, vẫn còn 6 trường hợp chấn thương sọ não, 5 trường hợp chấn thương do tai nạn lao động đang chờ mổ.

Theo bác sĩ Bùi Trung Nghĩa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân B.N.L. (35 tuổi ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương gan, gẫy xương mũi. Người nhà bệnh nhân L. cho biết, đêm 30/4, anh L. có đi liên hoan với bạn bè và sử dụng rượu bia, trên đường lái xe về nhà đã tự ngã dẫn đến chấn thương.

Kết quả xét nghiệm phát hiện nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân B.N.L lên tới 215 mg/dl, cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Việc cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một thách thức đối với y, bác sĩ trong công tác hồi sức cấp cứu. Ngày 29/4, có 6 trường hợp tử vong hoặc tình trạng nặng không có khả năng cứu chữa được gia đinh xin về. Tình trạng này cũng diễn ra khoảng bốn trường hợp trong ngày 27 - 28/4.

Tuy số ca cấp cứu tại bệnh viện không tăng so với ngày bình thường nhưng lại gia tăng các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương...

Điều đáng nói, nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép rất nhiều lần. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi sử dụng bia rượu không nên tham gia giao thông để tránh những nguy hiểm cho bản thân cũng như cho những người tham gia giao thông.

Mỗi năm, Việt Nam chi 50.000 tỉ đồng xử lý hậu quả do tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính toán phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3 - 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam nếu tính ở mức thấp nhất, thiệt hại kinh tế liên quan rượu bia khoảng 65.000 tỉ đồng.

Chi phí để giải quyết các hậu quả về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng rượu bia cũng rất lớn. Tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 1% GDP, tương đương 50.000 tỉ đồng.

Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn một năm. Năm 2017, người Việt đã uống khoảng 305 triệu lít rượu tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỉ lít bia, tương đương 161 triệu lít cồn. Dự báo đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt Nam là 7 lít cồn một năm.

Huyền Trần

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nghi-le-304-hang-tram-ca-cap-cuu-tai-nan-giao-thong-do-bia-ruou-76337.html