Nghỉ làm tránh dịch, điều xa xỉ với dân lao động Hàn Quốc

Với các hóa đơn phải chi trả mỗi tháng, nhân viên, chủ cửa hàng tại Hàn vẫn chấp nhận đi làm, tiếp xúc với nhiều người xung quanh dù ý thức được khả năng lây nhiễm bệnh cao hơn.

Shin Hye-ryong, người điều hành hai quán cà phê ở Suwon và Yongin (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), hiểu hơn ai hết virus corona đã khiến việc kinh doanh lao dốc như nào. Doanh thu của cửa hàng chỉ còn bằng một nửa so với tháng trước khi dịch bùng phát.

Việc làm ăn đột ngột đi xuống, cùng với đó là khoản tiền thuê mặt bằng chiếm 5 triệu won/tháng (khoảng 4.100 USD), gánh nặng tài chính ngày càng phình to. Chưa kể, Shin còn phải bỏ thêm một số tiền không nhỏ để khử trùng toàn bộ không gian quán.

Anh cho hay bản thân chấp nhận nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn tại nơi làm việc, vì bản chất việc kinh doanh đòi hỏi khách hàng đến và ăn uống trong một không gian kín.

 Áp lực kinh tế khiến nhiều lao động không dám nghỉ việc ở nhà cho dù số ca mắc Covid-19 tăng nhanh chóng ở Hàn.

Áp lực kinh tế khiến nhiều lao động không dám nghỉ việc ở nhà cho dù số ca mắc Covid-19 tăng nhanh chóng ở Hàn.

“Nếu nghỉ ngơi, tôi không có khả năng chi trả những hóa đơn cao ngất hàng tháng. Và chuyện sa thải nhân viên là điều tôi không muốn nghĩ tới, trừ khi mọi chuyện trở nên tồi tệ nhất”, người chủ quán cà phê cho hay.

Hiện tại, Shin dành riêng mỗi một ngày trong tuần chỉ cho công việc dọn dẹp và khử trùng sạch sẽ quán của mình.

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra khuyến cáo người dân của mình ở trong nhà và tránh tụ tập đông người, hạn chế ra nơi công cộng - những biện pháp cơ bản nhất để bảo vệ bản thân khi dịch Covid-19 đang khiến xứ kim chi lao đao.

Nhưng đối với tầng lớp lao động và chủ các doanh nghiệp nhỏ, đối tượng đang chật vật mỗi ngày với các hóa đơn điện nước, tiền thuê nhà, chuyện nghỉ làm và an tâm ở trong nhà tránh bệnh là điều gì đó quá xa vời.

Làm việc bình thường sau khi đồng nghiệp nhiễm virus

Mặc dù chính phủ Hàn Quốc khuyến khích chuyện làm việc linh hoạt, làm việc từ xa hoặc tại nhà để ngăn chặn virus lây lan, nhiều nhân viên vẫn gặp khó khăn khi nghỉ ốm hay đến chỗ làm mà thiếu đi các vật dụng bảo vệ.

Một phụ nữ 25 tuổi làm việc tại một công ty truyền thông ở Yeongdeungpo, phía nam Seoul, cho biết cô được thông báo sẽ đi làm vào ngày hôm sau, sau khi một người đồng nghiệp được xác nhận dương tính với virus.

“Tôi không biết liệu mình có an toàn nếu đến văn phòng, nhưng tôi nghĩ là tôi không còn lựa chọn nào khác”, cô nói.

Nhân viên văn phòng được khuyên đeo khẩu trang thường xuyên nhưng không phải ai cũng làm theo.

Khi được hỏi về việc có đeo khẩu trang tại nơi làm việc, cô cho hay nhiều đồng nghiệp đã cởi bỏ, không đeo sau khi thấy quá vướng víu.

“Tôi có phần may mắn khi sống gần công ty, nhiều người đi làm buộc phải di chuyển ra khỏi thành phố bằng phương tiện công cộng mới đến được chỗ làm”, người phụ nữ nói thêm.

“Thừa nhận mình gặp vấn đề về sức khỏe là điều dễ nhận về cái nhìn thiếu thiện cảm ở chỗ làm”, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực Markering ở Seoul, cho hay.

“Một trong những người đồng nghiệp của tôi đang có triệu chứng giống như cảm lạnh. Song, anh ấy không dám nói với quản lý vì sợ bị phạt. Giờ đây, tôi chỉ có thể hy vọng anh ta đừng mang theo virus corona”, người này kể lại.

Nhân viên văn phòng dễ lây nhiễm hơn

Tiếp tục đi làm, vẫn gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người xung quanh có thể trả giá bằng sự an toàn, sức khỏe của người dân xứ củ sâm.

Hôm 9/3, 77 ca nhiễm mới được phát hiện ở quận Guro, thủ đô Seoul. Tất cả đều là nhân viên làm việc tại một tổng đài điện thoại. Các quan chức y tế tại Hàn Quốc cho hay việc những người này không sử dụng khẩu trang là nguyên nhân khiến nhiều người cùng mắc bệnh.

“Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải tìm cách bảo vệ những người lao động có thu nhập bấp bênh, hoàn cảnh không cho phép ở nhà, ngay cả khi dịch lên tới đỉnh điểm”, Shin Hyoung-shik, Giám đốc Trung tâm Y tế Truyền nhiễm Quốc gia, cho hay.

Theo chuyên gia y tế, lợi ích kinh tế ở Hàn Quốc là thứ phải đánh đổi để đảm bảo sức khỏe của người dân khi dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Đó là những người có nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn”, ông nhấn mạnh. Cùng với người già, người suy giảm hệ miễn dịch, đối tượng người đi làm cũng nên được ưu tiên kiểm tra sức khỏe.

Theo Lee Jae-gap, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Hàn Quốc, các trường hợp virus lây lan trong môi trường làm việc có khả năng cao lặp lại.

“Đó không còn là đề phòng trường hợp có thể xảy ra nữa. Các trường hợp sẽ tiếp tục xuất hiện ngẫu nhiên và truy tìm nguồn gốc lây lan sẽ khó khăn hơn”, vị chuyên gia cho biết.

Chuyên gia Y tế Choi Jae-wook tại Bệnh viện Đại học Hàn Quốc cảnh báo nhân viên công sở và những người dành nhiều thời gian tại văn phòng cần đeo khẩu trang thường xuyên.

Đại diện của Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết chính phủ khuyến nghị các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc từ xa hoặc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nhất là khi cảnh báo đang được đặt ở mức độ cao nhất.

Song, việc tuân theo các khuyến nghị của chính quyền tùy thuộc vào mỗi cá nhân.

Theo chuyên gia Lee Jae-gap, dịch Covid-19 diễn biến khó lường và chắc chắn còn kéo dài là điều cần nhấn mạnh cho người dân Hàn Quốc. Điều cần làm là hạn chế tiếp xúc người với người.

“Việc phòng bệnh, ngăn chặn virus lây lan không thể thực hiện nếu người làm theo người không. Lợi ích về kinh tế là thứ chúng ta phải hy sinh”, ông kết luận.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nghi-lam-tranh-dich-dieu-xa-xi-voi-dan-lao-dong-han-quoc-post1058349.html