Nghi làm giả hồ sơ nguồn gốc cây 'quái thú'

Cả chính quyền địa phương và người được cho là chủ các cây 'quái thú' phủ nhận khai thác cây trên địa bàn.

Ngày 5-4, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) tiếp tục vào cuộc xác minh nguồn gốc 2 trong số 3 cây "quái thú" được cho là khai thác tại xã Ea Hồ.

Chính quyền địa phương khẳng định không có cây đa sộp nào khai thác trên địa bàn

Trước đó, người xưng là chủ của 3 cây "quái thú" đến trình 2 bộ hồ sơ về nguồn gốc 3 cây đang tạm giữ tại Thừa Thiên – Huế cho thấy 1 cây ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) và 2 cây được khai thác từ xã Ea Hồ. Theo người này cung cấp, 2 cây đa sộp khai thác tại xã Ea Hồ cùng có đường kính 1,4 m, cao 12 m được bà H’Yô Na Buôn Yă bán cho ông Đinh Công Quân (ngụ huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại Hà Nội làm bóng mát. Đơn xin khai thác, vận chuyển 2 cây đa sộp được bà H’Phi La Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, ký xác nhận vào ngày 23-3.

Sáng 5-4, bà H’Phi La Niê tiếp tục khẳng định bà không hề xác nhận vào đơn xin khai thác và vận chuyển 2 cây đa nêu trên vào ngày 23-3. Theo bà H'Phi La Niê, sáng nay địa phương cùng hạt kiểm lâm vào làm việc với bà H’Yô Na Buôn Yă và bà này khẳng định cũng không hề bán cây đa nào cho ông Quân ở Hà Nội. "Chúng tôi đã làm việc và lập biên bản sự việc để báo cáo cấp trên xem xét" – bà H’Phi La Niê cho biết thêm.

Ông Bùi Tiến Hoàng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng, cũng khẳng định đã làm việc với bà H’Yô Na Buôn Yă và ghi nhận không có cây đa nào được khai thác và vận chuyển thời gian trên tại xã Ea Hồ. "Tuy nhiên, các hồ sơ này cũng được tải về từ các cơ quan báo chí nên chưa thể khẳng định hồ sơ 2 cây này có bị làm giả hay không" - ông Hoàng cho biết thêm.

Riêng cây còn lại theo hồ sơ là khai thác tại xã Ea Pil (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) thì đúng địa phương này có 1 cây đa vừa khai thác.

Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nghi-lam-gia-ho-so-nguon-goc-cay-quai-thu-20180405134050073.htm