Nghỉ hưu cũng 'không thể hạ cánh an toàn'

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tố cáo sửa đổi. Nhiều ĐB đã đề nghị cần bổ sung quy định tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại, cũng như cần quy định xử lý đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Vì thực tế có nhiều vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức nhưng chưa bị phát hiện ra. Sau này phát hiện ra thì phải xử lý.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu. (Ảnh: Quang Vinh).

Nên quy định tố cáo qua fax, thư điện tử

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, cần mở rộng hình thức tố cáo như thư điện tử, fax, điện thoại để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như đảm bảo quyền con người, đồng thời thời hạn giải quyết tố cáo cần ngắn hơn. Trong khi đó, ĐB Đỗ Đại Phong (Thái Nguyên) đề nghị, cần có chế tài xử lý đối với người bị tố cáo cố tình trốn tránh đồng thời cho rằng không nên giới hạn 2 hình thức tố cáo là trực tiếp và bằng đơn mà cần xem xét mở rộng việc tố cáo bằng đơn, thư điện tử, fax, điện thoại để phù hợp với tình hình hiện nay. Còn ĐB K’ Choi (Đắk Nông) nói: “Cần mở rộng hình thức tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử vì quan trọng là nội dung, bằng chứng cụ thể trong đơn tố cáo chứ không phải là phương thức tố cáo. Nếu không sẽ hạn chế quyền của công dân.”

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) thì phân tích: Theo xu hướng phát triển hiện nay nếu chỉ quy định tố cáo bằng đơn và trực tiếp là chưa tạo thuận lợi cho người dân nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, thực tế nhiều vụ việc được mạng xã hội đưa lên đã được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, sau đó phát hiện ra sai phạm. Cho nên mở rộng các hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử là phù hợp.

Theo ĐB Lò A Tư (Lai Châu), thời hạn giải quyết tố cáo cần rút ngắn, với những vụ việc rõ ràng cần khẩn trương nhất là trong những thời điểm đề bạt cán bộ, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người có liên quan.

Nghỉ hưu thoát tố cáo?

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, cần phải giải quyết tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu. Vì thực tế thời gian qua nhiều cán bộ thời điểm chuẩn bị nghỉ hưu đã không vượt qua được cám dỗ, làm trái quy định làm ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng mà nhiều người hay nhắc đến là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”. “Tại sao thực tế đã xảy ra mà pháp luật lại không điều chỉnh? Trong khi Luật Phòng chống tham nhũng quy định xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu. Thời gian qua cử tri rất hoan nghênh Đảng đã cương quyết xử lý những cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu. Và đây chính là cơ sở thực tiễn để luật quy định”-ông Cầu nói.

Cùng quan điểm, theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), không quy định thì bỏ sót tội phạm, không thể hạ cánh là an toàn. Vì thực tế có nhiều vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức nhưng chưa bị phát hiện ra. Sau này phát hiện ra thì phải xử lý. Còn ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) nói: “Khi tiếp nhận tố cáo, bất cứ công chức đang đương chức, chuyển công tác hay nghỉ hưu thì phải giải quyết, để xác định và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức khi đang còn đương chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cũng như loại bỏ tư duy hạ cánh an toàn.”

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/chinh-tri/nghi-huu-cung-khong-the-ha-canh-an-toan-386772