Nghỉ hè và nỗi lo con trẻ

Nghỉ hè là khoảng thời gian mong đợi của nhiều trẻ em sau một năm học kết thúc, nhưng cùng với đó là nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ. Với mong muốn đem đến một mùa hè vui vẻ, an toàn và bổ ích cho con mình, nhiều người đã phải loay hoay tìm mọi cách nhưng dường như những giải pháp đưa ra vẫn còn nhiều bất cập.

Theo học các lớp năng khiếu được nhiều phụ huynh ưu tiên lựa chọn cho con trong kỳ nghỉ hè.

Ngay khi kết thúc năm học, câu hỏi gửi con ở đâu, mượn ai trông trẻ, sắp xếp công việc thế nào để quản lý con cái? khiến nhiều người thực sự bối rối. Thông thường, các trường công lập mầm non, tiểu học đều nghỉ hè gần 3 tháng. Con nghỉ trong khi bố mẹ vẫn phải bận rộn với công việc khiến áp lực tìm chỗ giữ trẻ trở thành nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn.

Chị Hà Thị Mai Trang, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hai bé nhà chị còn nhỏ, một cháu học mầm non, một cháu đang ở bậc tiểu học nên hè đến, vợ chồng chị thực sự lo lắng. Anh chị bận đi làm, ông bà già cả, lại ở xa, thuê người giúp việc trong thời gian ngắn thì không ai nhận làm, anh chị đành gửi cháu nhỏ ở nhóm trẻ tư thục, còn cháu lớn phải theo học các lớp học thêm tiếng Anh và học vẽ. Tuy nhiên, do các lớp năng khiếu chỉ dạy theo giờ, trong khi anh chị làm giờ hành chính, không thể đưa đón đúng giờ, đành phải nhờ hết hàng xóm đến họ hàng tranh thủ đón giúp.

Thực tế, hiện nay tại TP Thanh Hóa có rất nhiều lớp dạy các bộ môn năng khiếu và các trung tâm đào tạo bóng đá, câu lạc bộ võ thuật... Nhưng với mức học phí khá cao, thời gian học mỗi buổi ngắn nên không phù hợp với khả năng tài chính cũng như quỹ thời gian đối với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhiều nhà không có lựa chọn nào khác ngoài việc khóa cửa, nhốt con trong nhà. Tuy nhiên, để con ở nhà tưởng là an toàn nhưng với những đứa trẻ ở độ tuổi hiếu động tự quản nhau thì sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ điện giật, bỏng, trượt ngã hoặc tai nạn bất ngờ... Mặt khác, không có người quản lý, nhắc nhở, nhiều trẻ thoải mái xem tivi liên tục nhiều giờ đồng hồ, chơi game hoặc vào các trang mạng không lành mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe của trẻ.

Tại các xã, phường, phong trào sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi cũng được chính quyền địa phương tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những hoạt động này chưa thực sự hấp dẫn các bạn nhỏ nên nhiều em không nhiệt tình tham gia. Sau những loay hoay, tính toán thì giải pháp cho trẻ đi học lại được phụ huynh ưu tiên lựa chọn với đủ các môn: Tiếng Anh, múa, hát, vẽ, bơi và học trước các môn văn hóa dành cho năm học sắp tới... Có nhiều gia đình, vì muốn có chỗ gửi con đủ 5 ngày/tuần nên đã đăng ký 2-3 môn học dù không phải năng khiếu hay sở thích của con mình, miễn sao trẻ được quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm. Vậy là vô tình các bậc cha mẹ lại khiến trẻ mất đi những ngày hè thư giãn thực sự, các con chưa kịp nghỉ ngơi đã phải cuốn vào vòng quay học hành.

Không giống như trẻ em ở thành phố, trẻ sống ở vùng nông thôn được đi vui chơi thoải mái hơn, nhưng lại đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khác như: Đuối nước, bị ngã gây thương tích khi trèo cây, chạy nhảy... Với đặc thù vùng nông thôn, đa số là làm nông nghiệp quanh năm vất vả, những người bố, người mẹ thường ra đồng từ rất sớm để lo việc đồng áng, có người lại đi buôn bán xa hoặc đi làm tăng ca tại các khu công nghiệp từ sáng tới tối muộn nên vấn đề quan tâm, dạy dỗ con cái cũng có phần chưa thật sự chu đáo. Mặt khác, trẻ em ở các vùng quê khi đến kỳ nghỉ hè thường rất hiếu động, tò mò, trong khi đó lại ít được trau dồi kỹ năng sống nên thường chưa biết cách tự bảo vệ mình trước những nguy cơ rình rập bên ngoài.

Để đảm bảo cho thanh, thiếu nhi có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, Tỉnh đoàn đã có công văn đề nghị ban thường vụ đoàn - hội đồng đội các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho thiếu nhi thông qua các hoạt động hội trại, hội diễn văn hóa văn nghệ, trò chơi văn hóa dân gian, các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng... Đồng thời, mở lớp hướng dẫn kỹ năng sống và các lớp tập huấn kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước ở trẻ em, nhất là kỹ năng sơ cấp cứu, phát động phong trào dạy bơi, học bơi...

Để kỳ nghỉ hè là quãng thời gian ý nghĩa và bổ ích như mong đợi của mỗi đứa trẻ, các bậc cha mẹ cần thực sự quan tâm và hiểu con mình, từ đó tùy theo từng điều kiện và khả năng của gia đình để tạo cho con một môi trường vui chơi phù hợp, giúp các con có một tuổi thơ “thần tiên” yên bình, đáng nhớ.

Bài và ảnh: Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nghi-he-va-noi-lo-con-tre/103936.htm