NGHỊ ĐỊNH: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự

Sau khi chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng sẽ được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận

Sau khi chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng sẽ được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận

Mục 8. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI HỌC SINH CHẤP HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Điều 28. Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng

1. Học sinh được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 1,2 kg thịt lợn;

c) 1,2 kg cá;

d) 0,5 kg đường;

đ) 0,75 lít nước mắm;

e) 0,1 kg bột ngọt;

g) 0,5 kg muối;

h) 15 kg rau xanh;

i) 0,2 lít dầu ăn;

k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của học sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 149 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để đảm bảo học sinh ăn hết tiêu chuẩn ăn. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định chế độ ăn đối với học sinh ốm đau, bệnh tật trên cơ sở đề xuất của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

2. Chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của mỗi học sinh trong một năm được cấp như sau:

a) 02 bộ quần áo dài;

b) 01 bộ quần áo dài đồng phục;

c) 02 bộ quần áo lót;

d) 02 đôi dép nhựa;

đ) 01 áo mưa nilông;

e) 01 mũ cứng;

g) 01 mũ vải;

h) 03 khăn mặt;

i) 03 bàn chải đánh răng;

k) 02 chiếu cá nhân;

l) 800 g kem đánh răng;

m) 3,6 kg xà phòng;

n) 800 ml dầu gội đầu.

Học sinh vào trường giáo dưỡng được cấp 01 màn, 01 chăn sợi. Từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, mỗi học sinh được cấp thêm 01 áo ấm, 02 đôi tất và 01 mũ len, 01 chăn bông có vỏ nặng không quá 02 kg dùng trong 02 năm. Đối với học sinh phải chấp hành từ 12 tháng trở lên thì được cấp 02 lần (trừ chăn bông).

Học sinh được mang vào trường giáo dưỡng những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an. Học sinh nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.

3. Quy định này được áp dụng chung đối với học sinh trong trường giáo dưỡng.

Điều 29. Chế độ chăm sóc y tế đối với học sinh trường giáo dưỡng

1. Học sinh khi đến trường giáo dưỡng được y tế của trường giáo dưỡng tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe. Trong thời gian học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, trường giáo dưỡng căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho học sinh, định kỳ ít nhất 06 tháng/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa.

Chi phí khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Trường giáo dưỡng thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho học sinh. Việc khám sức khỏe cho học sinh căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, tình hình cụ thể của từng trường giáo dưỡng và lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho học sinh được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/học sinh/tháng.

2. Trường hợp học sinh bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá nhà trường thì được chuyển đến cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh nơi có trường giáo dưỡng để điều trị.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày đưa học sinh đến tuyến trên để điều trị thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của học sinh biết, phối hợp với nhà trường chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho học sinh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.

3. Trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa mà học sinh hết thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho học sinh, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Các chi phí khám bệnh tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này được ngân sách nhà nước cấp. Trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của học sinh tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.

Công an Việt Nam bàn giao đối tượng truy nã cho Công an Trung Quốc

Chương IV

THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH TIẾP NHẬN, CHUYỂN GIAO ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

Mục 1. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH TIẾP NHẬN ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ Ở NƯỚC NGOÀI VỀ VIỆT NAM CHẤP HÀNH ÁN

Điều 30. Tổ chức thi hành Quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án phạt tù của Tòa án, cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao để thỏa thuận về thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (kèm theo hồ sơ thi hành án) ở nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao có văn bản đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh cho người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam thì Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan đại diện ngoại giao có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy thông hành cho người đó.

2. Tổ chức việc tiếp nhận, áp giải người được chuyển giao về cơ sở giam giữ và hoàn chỉnh thủ tục thi hành án phạt tù tại Việt Nam.

a) Bộ Công an tổ chức Đoàn tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, thành phần gồm có: Đại diện cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Trưởng đoàn; đại diện Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; đại diện Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án ra quyết định thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án. Đại diện cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an; đại diện Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp địa điểm tiến hành tiếp nhận nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; Cảnh sát hỗ trợ tư pháp; cán bộ y tế; người phiên dịch; cá nhân khác liên quan thực hiện thủ tục tiếp nhận;

b) Việc tiếp nhận phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, nguyên tắc ngoại giao, phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo tuyệt đối an toàn; kiểm tra, tiếp nhận đúng người có tên trong Quyết định tiếp nhận chuyển giao của Tòa án kèm theo hồ sơ thi hành án phạt tù và giấy tờ, đồ vật, tư trang, tiền, tài sản (nếu có) của người được tiếp nhận và tiến hành khám sức khỏe người được tiếp nhận chuyển giao.

Việc tiếp nhận phải được lập thành biên bản gồm 03 bản bằng tiếng Việt, 03 bản bằng tiếng Anh và 03 bản bằng tiếng của nước chuyển giao; có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao và đại diện cơ quan nêu tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Sau khi tiếp nhận, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi Tòa án ra quyết định thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao có trách nhiệm tổ chức áp giải người vừa được tiếp nhận kèm theo hồ sơ thi hành án phạt tù và giấy tờ, đồ vật, tư trang, tiền, tài sản (nếu có) của người đó đến trại tạm giam do Công an địa phương mình quản lý để hoàn chỉnh hồ sơ thi hành án, lập danh sách báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa đến trại giam chấp hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phải ra quyết định đưa người đó đến trại giam chấp hành án;

d) Hồ sơ đưa người đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam đến trại giam chấp hành án theo quyết định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phải có quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án có hiệu lực pháp luật, quyết định thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao của Tòa án và có đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 26 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Các tài liệu thi hành án phạt tù của nước ngoài có trong hồ sơ đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam chấp hành án phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt và phải được chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Điều 31. Thực hiện thi hành án phạt tù đối với người được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án

1. Các chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, quyền, nghĩa vụ của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao về Việt Nam để chấp hành án được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và quy định liên quan khác của pháp luật Việt Nam.

2. Trường hợp nhận được thông báo về quyết định đặc xá, đại xá hoặc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù hoặc bất kỳ quyết định, biện pháp nào của nước chuyển giao đối với người được chuyển giao về Việt Nam để chấp hành án dẫn đến việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc trả tự do cho người đó, thì cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm gửi ngay thông báo đó kèm theo văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam và nước chuyển giao là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước chuyển giao theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

3. Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc công nhận và cho thi hành quyết định của nước chuyển giao nêu tại khoản 2 Điều này, trại giam nơi đang quản lý, giam giữ phạm nhân là người được tiếp nhận từ nước ngoài về Việt Nam chấp hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành và thông báo cho Cơ quan đầu mối của Bộ Công an kết quả thi hành để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao biết.

Điều 32. Thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam chấp hành án

Trại giam nơi tiếp nhận, quản lý, giam giữ phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam chấp hành án có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đầu mối của Bộ Công an về kết quả thi hành án đối với người đó để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao trong các trường hợp sau:

1. Người đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, được miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

2. Người đang chấp hành án phạt tù đã chấp hành xong án phạt tù.

3. Người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi nơi giam giữ.

4. Người đang chấp hành án phạt tù chết trước khi chấp hành xong án phạt tù.

5. Phía nước ngoài đề nghị thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù.

Mục 2. THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN GIAO ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

Điều 33. Thỏa thuận việc thực hiện quyết định chuyển giao

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài của Tòa án có thẩm quyền, Bộ Công an có trách nhiệm gửi văn bản thông báo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận phạm nhân thỏa thuận về thời gian, địa điểm và cách thức chuyển giao.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận phạm nhân, cơ quan đầu mối của Bộ Công an về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù và các cơ quan liên quan để tổ chức thi hành theo thẩm quyền.

3. Trường hợp quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao chưa thể tiếp nhận chuyển giao do có những trở ngại khách quan và đã thông báo cho Bộ Công an biết về sự chậm trễ này và cam kết bằng văn bản việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh do việc chậm trễ nhận chuyển giao gây nên, Bộ Công an có trách nhiệm thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ấn định thời gian và địa điểm mới thực hiện việc chuyển giao. Việc hoãn thực hiện quyết định chuyển giao không được quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản cam kết của nước ngoài về việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.

Điều 34. Thực hiện quyết định chuyển giao

1. Tổ chức áp giải người được chuyển giao

a) Giám thị trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù chịu trách nhiệm tổ chức áp giải người được chuyển giao kèm theo bản sao y các tài liệu thi hành án trong hồ sơ phạm nhân có đóng dấu của trại giam, phiếu khám sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của phạm nhân (nếu có), biên bản kiểm kê giấy tờ, tài sản, đô vật, tư trang, tiền (nếu có) của phạm nhân đến địa điểm và đúng thời gian do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước tiếp nhận chuyển giao đã thỏa thuận để tiến hành thủ tục bàn giao cho nước tiếp nhận. Thành phần gồm có: Giám thị hoặc Phó Giám thị trại giam làm Trưởng đoàn; Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp được giao áp giải; cán bộ hồ sơ;

b) Việc áp giải người được chuyển giao phải bảo đảm tuyệt đối an toàn; bảo đảm áp giải đúng người có tên trong Quyết định chuyển giao của Tòa án đến đúng thời gian, địa điểm tiến hành bàn giao theo thỏa thuận.

2. Tổ chức tiến hành bàn giao người được chuyển giao

a) Thành phần Đoàn bàn giao người được chuyển giao gồm có: Đại diện cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Trưởng đoàn; đại diện Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; đại diện Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an; đại diện Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp địa điểm tiến hành chuyển giao nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; Giám thị hoặc Phó Giám thị trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù; người phiên dịch;

b) Việc tiến hành bàn giao phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, nguyên tắc ngoại giao, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tuyệt đối an toàn; bàn giao đúng người có tên trong Quyết định chuyển giao của Tòa án cho nước tiếp nhận.

Việc bàn giao phải được lập thành biên bản gồm 03 bản bằng tiếng Việt, 03 bản bằng tiếng Anh và 03 bản bằng tiếng của nước tiếp nhận; có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận và đại diện cơ quan nêu tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao không tiếp nhận chuyển giao mà không có lý do chính đáng thì cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lập biên bản về việc này và thông báo ngay cho Tòa án đã ra quyết định chuyển giao biết để xem xét, hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao, đồng thời thông báo cho nước yêu cầu chuyển giao biết.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định hủy quyết định thi hành chuyển giao của Tòa án, cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thông báo cho nước yêu cầu chuyển giao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trại giam nơi người được chuyển giao đang chấp hành án để tiếp tục thi hành án đối với người có quyết định hủy quyết định chuyển giao của Tòa án.

Điều 35. Thông báo về việc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã được chuyển giao

1. Khi nhận được quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam về việc miễn, giảm thời hạn chấp hành án, đặc xá, đại xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã được chuyển giao, trại giam nơi quản lý giam giữ người đó trước khi chuyển giao phải thông báo ngay cho Cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài biết để thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam và nước tiếp nhận phạm nhân là thành viên hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước tiếp nhận phạm nhân theo nguyên tắc có đi có lại.

2. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông tin cho Bộ Công an về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tiếp nhận thực hiện quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, đại xá của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 12 năm 2020, thay thế Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2011 quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 90/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015.

Điều 37. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-mot-so-dieu-cua-luat-thi-hanh-an-hinh-su-post457155.antd