Nghị định 85 về Cơ chế một cửa và KTCN chính thức có hiệu lực

Kể từ hôm nay, Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là Nghị định 85) do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/11/2019 chính thức có hiệu lực.

Nghị định 85 ra đời đã quy định đồng bộ, nhất quán về đối tượng, hồ sơ, quy trình khi áp dụng thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời, tạo cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động KTCN.

Theo bà Lê Như Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, Nghị định 85 được xây dựng trong bối cảnh vừa tuân thủ các Luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (khi chưa được sửa đổi, bổ sung) vừa phải đảm bảo thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thống nhất thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, quá cảnh, phương tiện vận tải XNK, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, cải cách toàn diện hoạt động KTCN có liên quan đến hàng hóa XNK, quá cảnh.

Theo đó, Nghị định 85 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK, người và phương tiện vận tải XNC, quá cảnh trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác KTCN trên nền tảng kết nối thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách toàn diện hoạt động KTCN theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân; minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí KTCN; xã hội hóa hoạt động KTCN; giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong KTCN và tình trạng một mặt hàng cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức quản lý, kiểm tra; chấm dứt tình trạng ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mã số hàng hóa, trình tự, thủ tục kiểm tra.

Bên cạnh đó còn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những chồng chéo, xung đột, bất cập tại các văn bản về KTCN đối với hàng hóa XNK, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Cũng theo bà Lê Như Quỳnh, để bảo đảm Nghị định 85 được thực hiện thống nhất ngay từ khi có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu nội dung Nghị định 85 để triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng, kịp thời khi có hiệu lực thi hành.

7 trường hợp được miễn kiểm tra trước khi thông quan được quy định chi tiết tại Nghị định 85. Ảnh: H.Nụ

7 trường hợp được miễn kiểm tra trước khi thông quan được quy định chi tiết tại Nghị định 85. Ảnh: H.Nụ

Theo đó, các bộ, quản lý ngành lĩnh vực có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia các thông tin, như: Danh mục hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực quy định tại Khoản 4 Điều 27 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; danh mục hàng hóa phải KTCN theo quy định; các thông tin liên quan đến cơ quan KTCN; phạm vi công việc được chỉ định trong hoạt động KTCN, tiêu chí chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; trình tự, thời gian, cách thức thực hiện thủ tục KTCN gắn với trách nhiệm của cơ quan KTCN, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; điều kiện, tiêu chí miễn kiểm tra, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hồ sơ kết hợp kiểm tra thực tế; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được thừa nhận phục vụ quản lý nhà nước theo điều ước quốc tế; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định ban hành Thông báo kết quả đánh giá phù hợp quy định.

Đặc biệt, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm thực hiện KTCN trên cơ sở quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân trong KTCN nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, quá cảnh; thực hiện KTCN trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra; áp dụng miễn, giảm KTCN đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và hàng hóa đã có kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bà Lê Như Quỳnh nhấn mạnh.

Các bộ, quản lý chuyên ngành cũng phải rà soát danh mục hàng hóa KTCN hiện hành, đối chiếu với quy định tại Nghị định 85 để chuẩn hóa các danh mục hàng hóa phải KTCN bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Nghị định 85.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nghi-dinh-85-ve-co-che-mot-cua-va-ktcn-chinh-thuc-co-hieu-luc-118165.html