Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc: Khó thành hiện thực

Theo Nghị định 27/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-5-2014, người giúp việc sẽ được ký hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cùng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng lao động. Tuy vậy, đi vào thực tiễn nghị định dường như vẫn chưa được thực hiện.

Có thể khẳng định, Nghị định 27/2014 NĐ-CP ra đời và có hiệu lực là những bước tiến đáng mừng trong chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đặc biệt, với việc pháp luật thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề cụ thể, bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người lao động. Đây là cơ sở để bảo vệ người lao động trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp cũng như tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác.

Với quy định trên, ngoài khoản cao hơn mức lương tối thiểu vùng (Thanh Hóa gồm: Vùng 3 là 2.400.000 đồng/tháng; vùng 4 là 2.150.000 đồng/tháng) như hiện nay thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm tổng cộng là 21% (trong đó 18% tiền BHXH, 3% tiền BHYT). Tuy vậy, đã hơn 3 năm nghị định có hiệu lực, nhưng không phải người lao động và người sử dụng lao động nào cũng biết và thực hiện đúng quy định. Bà Đỗ Thị Sở (Triệu Sơn) chia sẻ: Hơn 5 năm tôi đi làm giúp việc, đã ở 3 nhà chủ nhưng tôi chưa nghe, cũng chưa từng thấy nhà chủ nào nói và thực hiện về quy định trên. Cùng vấn đề này, chị Lê Thị Tâm (Thiệu Hóa) cho biết: Gần 7 năm tôi đi làm giúp việc, ở không ít nhà chủ nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe có quy định này. Chị Lê Thị Hồng Nhung, TP Thanh Hóa, cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi thường xuyên phải thuê giúp việc nhưng tôi không biết và cũng chưa từng thấy cơ quan chức năng nào phổ biến hay kiểm tra, giám sát về thực hiện quy định này.

Mặt khác, việc quy định người sử dụng lao động phải trả một phần tiền cùng với lương để người lao động tự mua BHXH, BHYT cũng đang là bài toán khó. Vốn dĩ đặc điểm của người lao động giúp việc gia đình có độ tuổi không đồng đều, trình độ và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tâm lý làm việc không ổn định, điều kiện gia đình khó khăn, thu nhập thấp. Thế nên số đông người lao động giúp việc gia đình không muốn tham gia BHXH, BHYT mà chỉ muốn lĩnh tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt. Thêm vào đó, phần đông họ chỉ theo nghề trong một thời gian ngắn, vậy, số tiền bảo hiểm đã đóng sẽ được xử lý ra sao? Đây cũng chính là thắc mắc chung của các bà, các chị Đỗ Thị Sở, Lê Thị Tâm và nhiều người giúp việc khi chia sẻ với phóng viên.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định trả thêm tiền bảo hiểm cho người lao động cũng còn mang tính chất khá chung chung và thiếu chế tài áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện. Cùng với đó, bất cập và thiếu sót của quy định còn thể hiện ở chỗ: Phần lớn những người giúp việc gia đình đều là người lớn tuổi hoặc số ít là thanh, thiếu niên. Trường hợp người giúp việc trên 55 tuổi, quá độ tuổi để được đóng bảo BHXH, vậy người sử dụng lao động có phải trả thêm khoản tiền này cho người lao động không và nếu không trả thì có vi phạm pháp luật không thì vẫn chưa được nghị định đề cập đến. Cùng với đó, cũng rất khó để có thể quản lý việc người sử dụng lao động có thanh toán khoản tiền hỗ trợ cho người lao động đóng bảo hiểm hay không. Theo quy định, trách nhiệm chính trong việc quản lý quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người giúp việc thuộc về UBND các xã, phường. Vậy, cơ quan này đã thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu, có thực hiện việc quản lý một cách chặt chẽ hay không?

Thực hiện Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ có trách nhiệm: Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các quy định về lao động giúp việc gia đình đến người lao động và các hộ gia đình có thuê mướn sử dụng lao động giúp việc gia đình; phân công cán bộ theo dõi, quản lý việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý; lập sổ quản lý lao động giúp việc gia đình với các nội dung chủ yếu theo quy định tại thông tư; tiếp nhận, quản lý thông báo sử dụng lao động giúp việc gia đình, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với lao động giúp việc gia đình của người sử dụng lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý; kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động của người lao động giúp việc gia đình và hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý... Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay việc triển khai và thực hiện kiểm tra, giám sát tại các địa phương dường như vẫn chưa được quan tâm, sâu sát và thực hiện.

Có thể nói, những quy định trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP là bước đột phá lớn về chính sách nhằm luật hóa và bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động giúp việc cũng như người sử dụng lao động. Tuy nhiên, với những bất cập và thiếu sót đang vướng mắc trong thực tiễn, trong đó, nổi cộm như công tác tuyên truyền chưa nhiều, chưa sâu và chưa rộng; nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cấp, các ngành còn chưa đầy đủ; các cơ quan chức năng chưa quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH trong số lao động này. Thiết nghĩ, cơ quan chủ trì xây dựng nghị định này cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn để người dân và các cơ quan quản lý thuận tiện trong việc thực hiện, đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm luật. Về phía các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các quy định về lao động giúp việc gia đình đến người lao động và các hộ gia đình có thuê mướn sử dụng lao động giúp việc gia đình; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động của người lao động giúp việc gia đình và hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý để nghị định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

. Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/xa-hoi/n178283/kho-thanh-hien-thuc