Nghị định 100 thực sự đi vào cuộc sống

Có thể nói Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dù mới được ban hành nhưng đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ý thức chấp hành pháp luật. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Sau 1 tháng triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, với các hình thức xử lý nghiêm khắc thể hiện qua các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước, đây được coi là “biệt dược” trị bệnh nhờn luật đồng thời góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Theo đó tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn lên đến 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng); phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước giấy phép lái xe)… Đáng chú ý Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ, cụ thể có thể bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Với chế tài xử phạt như trên, hiệu lực của Nghị định phát huy tác dụng ngay lập tức. “Hiếm có luật, nghị định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt cao đã khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu, bia bất kể có tham gia giao thông hay không”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe taxi. Ảnh: Khánh Giang

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe taxi. Ảnh: Khánh Giang

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Tết năm 2020, tình hình trật tự ATGT đã có chuyển biến rất tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Đặc biệt tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn giảm rất sâu, chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức số nạn nhân tai nạn giao thông có cồn chỉ chiếm 7%, giảm gần 60% so với năm trước.

Không chỉ tai nạn giao thông giảm mà nhiều tiêu chí khác cũng giảm, nhiều bạn đọc chia sẻ, đó là tiêu thụ rượu bia giảm, các cuộc liên hoan, tiệc tùng rồi ẩu đả liên quan đến rượu bia giảm; giảm tắc đường… giảm bất hòa trong các gia đình vì chồng say rượu quậy phá…

Những năm trước, mỗi dịp lễ, Tết đến, rượu, bia được đánh giá là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2020 là hoàn toàn ngược lại. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, năm nay, mức tiêu thụ mặt hàng này giảm rất mạnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, gia đình có tiệc đã không còn bày bia, rượu. Thay vì chúc tụng nhau bằng rượu, nhiều buổi liên hoan, tổng kết đã được thay bằng nước lọc, nước ngọt.

Rõ ràng Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống và được đón nhận tích cực. Không chỉ là những biến chuyển đơn thuần về số liệu, quan trọng hơn là nhiều người dân đã dần hình thành hành vi chuẩn mực. Điều chúng ta thấy rõ đó là thói quen sử dụng bia rượu thường xuyên sau rất nhiều năm giờ đã thay đổi và đang dần từng bước hình thành hành vi, thói quen của mỗi người, tạo nếp sống đẹp, văn minh hơn, an toàn hơn cho cuộc sống của chúng ta.

Chính sách đúng thì đạt đồng thuận lớn trong xã hội và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Rõ ràng, những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đặng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/nghi-dinh-100-thuc-su-di-vao-cuoc-song-2471798/