Nghĩ cho người kinh doanh

Một doanh nhân đang làm thủ tục… ngưng hoạt động cho doanh nghiệp của mình chia sẻ: 'Mệt mỏi quá nên mới làm vậy'. Tại sao? 'Từ ngày chuyển đổi lên doanh nghiệp, tôi hoa cả mắt với các thủ tục, từ thuế, bảo hiểm tới nhiều quy định khác về vệ sinh môi trường…

Đơn giản như việc tôi mua tivi, gắn máy lạnh trong phòng ăn trưa cho công nhân để họ có điều kiện nghỉ ngơi tốt hơn, làm việc tốt hơn, nhưng ngành thuế lại không cho đưa khoản đầu tư ấy vào chi phí. Rồi nước rửa xe, trước kia cứ chảy thẳng xuống cống, nay bị bắt bẻ, sao không xử lý… Tranh cãi mãi với thuế, với cơ quan bảo vệ môi trường, chẳng còn thời gian kinh doanh nữa, nên tôi quyết định nghỉ”, anh nói. Cũng chẳng biết nói với doanh nhân này thế nào bởi với trình độ “hết lớp 10”, nghỉ học ở nhà theo cha làm nghề sửa xe, rồi dần dần mở được cơ sở kinh doanh và mới đây, được vận động chuyển đổi thành doanh nghiệp, anh cảm thấy mệt mỏi với nhiều quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng dễ hiểu.

Không phải không biết mà chắc chắn lãnh đạo nhiều địa phương biết rất rõ những băn khoăn này của các hộ kinh doanh. Trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương, nhiều hộ kinh doanh đã thẳng thắn nói, trở thành doanh nghiệp người kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiều quy định hơn như: báo cáo thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng cháy chữa cháy, đồng nghĩa với việc tăng chi phí và thêm việc. Đáng nói, những việc phải thêm, đa số lại là những việc họ không rành.

Báo cáo mới đây nhất của ngành chức năng cho thấy, đa số các hộ kinh doanh cá thể không có kỹ năng kế toán. Có tới 62% hộ kinh doanh cá thể tại Hà Nội và 79% tại TPHCM không có hồ sơ hoặc không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản.

Vận động chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Nhà nước bởi lẽ không chỉ giúp Nhà nước vận hành và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn mà còn giúp chính hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, có điều kiện phát triển và đặc biệt có cơ sở để thu hút được nguồn lao động chất lượng cao hơn. Thế nhưng, vấn đề không chỉ là vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mà quan trọng hơn là tạo môi trường kinh doanh thuận tiện với các quy định phù hợp với trình độ của đại đa số chủ hộ kinh doanh. Đơn cử như thuế, hiện nay ngành thuế ở nhiều địa phương có chương trình hướng dẫn chủ hộ kinh doanh thực hiện các thủ tục về thuế khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; thế nhưng như nhiều chủ hộ kinh doanh chia sẻ, việc thuế đâu chỉ làm trong thời điểm chuyển đổi (doanh nghiệp đóng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… không phải thuế khoán như hộ kinh doanh). Chưa kể, theo nhiều chuyên gia kinh tế, luật về thuế và các văn bản pháp luật liên quan đến thuế vẫn đang làm cho nhiều doanh nghiệp có thâm niên hoạt động hàng mấy chục năm “đau đầu”. Nhiều doanh nghiệp trong số này còn phải “nhờ” “người làm thuế chuyên nghiệp” giải quyết các rắc rối về thuế. Huống chi các hộ kinh doanh không có kỹ năng kế toán.

Còn một thực tế nữa, lâu nay ở nhiều địa phương, doanh nghiệp càng “nổi”, càng to… càng dễ bị kiểm tra, kiểm soát. Do vậy, nhiều hộ kinh doanh cho rằng, càng “núp kín” trong “vỏ” hộ kinh doanh nho nhỏ, ít người biết càng tốt. Như vậy, bên cạnh việc tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp thì ngành chức năng cũng nên rà soát lại công tác kiểm tra, kiểm soát. Tất cả các cơ sở kinh doanh dù to hay nhỏ, dù là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đều được đối xử công bằng, đúng pháp luật. Cách nay chưa lâu, một doanh nghiệp trong ngành cung cấp suất ăn công nghiệp đã tâm sự với người viết bài này, trong khi doanh nghiệp bị kiểm tra rất kỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc xử lý chất thải, đặc biệt là dầu mỡ thải ra trong quá trình sản xuất thì nhiều hộ kinh doanh ăn uống cứ vô tư thải dầu mỡ ra cống thoát nước. Có thể lượng dầu mỡ thải ra của hộ kinh doanh ăn uống không nhiều như doanh nghiệp sản xuất suất ăn công nghiệp nhưng lâu ngày tích lại trong cống thoát nước, lượng dầu mỡ ít sẽ nhiều lên và đóng cục, gây nghẹt cống.

“Khi thấy có lợi, doanh nghiệp sẽ làm” - đó là một trong những nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh. Cuộc vận động hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua nguyên tắc này, nếu muốn thành công. Chưa kể, nếu không giải quyết căn cơ vấn đề môi trường kinh doanh thì có vận động được hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp đó hoạt động không hiệu quả, phá sản hoặc buộc phải đóng cửa, thời gian cũng như công sức của cả doanh nghiệp và ngành chức năng, để xử lý việc này, không nhỏ.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia về kinh tế, lắng nghe doanh nghiệp và đặt mình vào vị trí của họ, xem họ nghĩ gì, cần gì… là yếu tố cơ bản đưa tới thành công trong việc vận động hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghi-cho-nguoi-kinh-doanh-482794.html