Nghi can không phải chịu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư, nếu trong khi chém đồng nghiệp, cô giáo tiểu học mất khả năng nhận thức, có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngày 15-12, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Ninh Hòa xác nhận, trên địa bàn xã Ninh Phước vừa xảy ra vụ việc cô giáo trường tiểu học Ninh Phước dùng dao tấn công đồng nghiệp. Cô giáo đã hành hung đồng nghiệp tên là N.T.N.H. Vụ việc khiến cho cô giáo đồng nghiệp bị thương vùng vai và hai ngón tay trái.

Đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT Ninh Hòa cho biết thêm, cô giáo H trước đây công tác tại trường tiểu học Ninh Phước và sau đó có biểu hiện tâm thần nên được điều trị tại một cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa một thời gian thì về lại trường. Hôm 15-12 cô giáo này bất ngờ dùng dao tấn công đồng nghiệp. Rất may cô giáo đồng nghiệp chỉ bị thương nhẹ và đang được điều trị tại BVĐK thị xã Ninh Hòa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, trong sáng cùng ngày, tại điểm trường tiểu học Ninh Phước ở thôn Mỹ Giang xảy ra vụ việc cô giáo chém đồng nghiệp. Hiện, CQCA đang tiến hành thụ lý điều tra, làm rõ vụ việc. Cô giáo bị thương ở vai và bàn tay trái, hiện đã được đưa đi cấp cứu. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Hung khí cô H dùng để chém đồng nghiệp.

Hung khí cô H dùng để chém đồng nghiệp.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của cô giáo H rất nguy hiểm khi sử dụng hung khí xâm phạm sức khỏe của đồng nghiệp, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Căn cứ thông tin ban đầu, luật sư Thái nhận định, giáo viên có biểu hiện bệnh về thần kinh, mất kiểm soát hành vi dẫn đến việc gây thương tích cho người khác. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của cô H để xem xét xử lý. Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho thấy trước và trong thời điểm thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác, cô H bị xác định mắc bệnh về thần kinh làm mất khả năng kiểm soát hành vi, thì nghi can không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

“Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thái phân tích.

Luật sư Thái dẫn chứng, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206).

Nếu kết quả giám định cho thấy người này thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả giám định để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định nữ giáo viên đủ nhận thức hành vi, việc dùng dao tấn công đồng nghiệp do nguyên nhân chủ quan như mâu thuẫn giữa 2 bên, thì người gây án có thể bị xử lý hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

“Các hoạt động tố tụng tiếp theo sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi và kết quả giám định tỷ lệ thương tích của nạn nhân”, luật sư Thái cho biết.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghi-can-khong-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su-221244.html