Nghi binh thông tin cho bộ đội vượt sông

Tháng 9-1974, để chuẩn bị cho hướng tấn công Vĩnh Long-Trà Vinh, đồng chí Phạm Văn Trà, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Quân khu 9 (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Thông tin Trung đoàn 1, tổ chức nghi binh thông tin để trung đoàn qua thị xã Trà Vinh mà địch không biết.

Nhận rõ trách nhiệm nặng nề, đồng chí Hùng trăn trở suy nghĩ và đề xuất biện pháp nghi binh thông tin. Chủ nhiệm Thông tin cử người qua Trà Vinh tìm hiểu tình hình thông thoại của địch trên mạng PRC25 và học hỏi Trung đoàn 3 cách thông thoại trên máy. Sau đó thông tin Trung đoàn 1 ráo riết chuẩn bị.

Trung đoàn 1 tổ chức mạng vô tuyến điện giả ở tại Bà Bái (Cần Thơ). Đồng chí Nguyễn Văn Em phụ trách đài 15W liên lạc về quân khu. Hai đồng chí Thắng và Minh phụ trách 5 tổ máy PRC25 đặt trong đội hình tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới liên lạc với nhau giống như đang hoạt động. Chủ nhiệm Thông tin còn cử bộ phận đi trước theo tiền phương trung đoàn mang một đài 81 liên lạc về trung đoàn. Đồng chí Nguyễn Tấn Lên, trợ lý vô tuyến điện, đi sâu nghiên cứu phương thức làm việc mạng PRC25 của địch ở vùng này. Đồng thời cho phân đội bộ đàm học mật ngữ trong 4 ngày, kết quả rất tốt, rút ngắn một nửa thời gian sử dụng. Quy ước liên lạc cũng thay đổi, trước mỗi ngày đổi một lần, khi qua Trà Vinh, mỗi giờ đổi một lần.

Để bảo đảm trung đoàn qua sông bí mật, an toàn, tổ đài do đồng chí Chu Minh Chiến và Nguyễn Văn Đáu, cán bộ kỹ thuật phụ trách được trang bị một máy PRC25 phối thuộc với Đại đội 12 của trung đoàn đang đi làm công tác dân vận chốt tại cù lao Tân Quy (Trà Vinh) để nắm tình hình chuẩn bị qua sông.

Chiều 23-11-1974, lực lượng thông tin, trinh sát, đại đội hỏa lực của trung đoàn kết hợp đường dây quân khu triển khai chốt chặn hai trạm đầu cầu, các ngả đường qua sông và có nhiều phương án đối phó với địch. Các lực lượng bắt liên lạc với nhau bằng thông tin vận động, ám, tín hiệu... Mạng vô tuyến điện không lên tiếng. Riêng máy PRC25 ở cù lao Tân Quy, hai trạm đầu cầu (bắc nam sông Hậu) tổ chức canh liên tục, bất trắc mới gọi về trung đoàn và dùng quy ước ngắn gọn.

Đúng 17 giờ, thông tin liên lạc thông suốt, các đơn vị hành quân thứ tự qua sông bằng xuồng ba lá. Đêm đầu là trung đoàn bộ và ba tiểu đoàn, sau đó Tiểu đoàn 307 qua tiếp. Như vậy, toàn bộ trung đoàn vượt sông an toàn đúng kế hoạch. Việc nghi binh thông tin bảo đảm vượt sông bí mật, an toàn đã góp phần giúp trung đoàn đánh thắng địch, trụ vững trên chiến trường đồng bằng trọng điểm, tạo cơ sở cho hướng chủ yếu của quân khu phối hợp với chiến trường chung giành thắng lợi.

BIỆN XUÂN CƯỜNG (theo ''Ký ức cựu chiến binh Thông tin liên lạc'')

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghi-binh-thong-tin-cho-bo-doi-vuot-song-549618