Nghi án siêu thị Mường Thanh bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Các quầy hàng về hoa quả, thực phẩm tươi sống và một số mặt hàng gia dụng khác của siêu thị Mường Thanh (MT Mart) bày bán sản phẩm nhưng tem mác không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có những khay hàng đến tem cũng không có.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc?

Hiện nay, hàng loạt hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ hàng hóa từ đồ gia dụng đến lương thực, thực thẩm đang mọc lên như nấm. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa chưa phải đơn vị nào cũng thực hiện nghiêm túc. Việc mập mờ trong nguồn gốc xuất xứ và tem mác ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về sản phẩm.

Vừa qua, báo Người tiêu dùng đã nhận được một số thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan đến sản phẩm được kinh doanh, bày bán tại hệ thống siêu thị Mường Thanh trên địa bàn TP. Hà Nội mập mờ về nguồn gốc và không có tem mác.

Khay đựng gan lợn không có thông tin về nguồn gốc sản phẩm trong tem nhãn.

Để ghi nhận những thông tin trên, PV đã có mặt trực tiếp tại 2 điểm siêu thị của Mường Thanh tại tòa nhà HH1 Linh Đàm và CT6 Xa La (Hà Nội) để tìm hiểu thực tế. Theo quan sát của PV, những phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có căn cứ. Tại quầy rau quả và thực phẩm tươi sống, nhiều khay hàng không ghi rõ nguồn gốc và không có tem sản phẩm.

Cá chỉ vàng tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ từ đâu?

Cụ thể, đối với một số loại rau, của quả như đậu bắp, lặc lè, mướp… được đóng khay xốp, bao màng bọc thực phẩm kín, một số khay không có tem nhãn, một số có tem giá nhưng không có nguồn gốc xuất sứ. Ngoài ra, về các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, các bộ phận nội tạng của lợn và các loại cá biển, khô cá, khô mực… cũng được bọc tương tự, trên đó tem chỉ thể hiện giá, khối lượng, hạn sử dụng, ngày đóng túi mà không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cơ sở cung cấp.

Không những thế, khảo sát một số mặt hàng khác tại siêu thị Mường Thanh, PV còn nhận thấy một số sản phẩm về hàng gia dụng được bày bán nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không hề có tem phụ bằng tiếng Việt.

Một chiếc bát cách nhiệt chỉ có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trong khi, nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tương cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: tên hàng hóa; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Như vậy, đối chiếu với những quy định trên, siêu thị Mường Thanh đang không nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về nhãn mác. Từ những thực tế này, PV báo Người tiêu dùng đã làm việc với Tập đoàn Mường Thanh để tìm lời giải thích.

Một sản phẩm khác cũng không hề có tem nhãn phụ.

Tiết kiệm chi phí in ấn tem nhãn?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hương Giang – Trưởng phòng mua, Ban điều hành siêu thị Mường Thanh cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của báo Người tiêu dùng, chúng tôi đã xuống kiểm tra, lập biên bản thực tế. Đúng là thực tế nhân viên siêu thị có sơ xuất, tiết kiệm chi phí in ấn tem nên không dán vào sản phẩm, chỉ dán thông tin chung vào kệ dưới vị trí đặt các khay hàng mà không có tem riêng vào từng sản phẩm. Và nếu có tem phụ riêng như thế, giá thành sản phẩm của chúng tôi sẽ bị đẩy lên, ít nhất mỗi sản phẩm sẽ tăng 1 ngàn đồng nên có thể nhân viên bên đó đã tiết kiệm khoản này. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề, chúng tôi đã in ấn tem và dán đầy đủ vào các sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi cũng có biện pháp xử lý đối với người phụ trách siêu thị”.

Theo bà Giang, các sản phẩm là thực phẩm tươi sống bày bán tại siêu thị Mường Thanh đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các mặt hàng từ thịt lợn do nhà cung cấp Minh Hằng và nhà cung cấp Nam Hà Nội chuyển đến; mặt hàng cá, thủy sản… do nhà cung cấp Naturfish đưa đến và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, giấy xác nhận an toàn thực phẩm và các thủ tục cần thiết. Tại thời điểm làm việc, bà Giang cũng đưa ra các hóa đơn, chứng từ liên quan đến đầu vào sản phẩm.

Về một số sản phẩm gia dụng thiếu tem phụ bằng tiếng Việt, bà Giang cho biết sẽ xác minh và có biện pháp khắc phục nếu kiểm tra thấy thiếu sót.

Như vậy, đại diện Ban quản lý siêu thị Mường Thanh đã thừa nhận những thiếu sót trong quá trình kinh doanh hàng hóa thiếu tem nhãn của mình và đã có các biện pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, việc thiếu sót này ít nhiều cũng đã gây ra những nghi ngờ, thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm khi mua hàng tại đây cũng như những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin sản phẩm. Do đó, qua trường hợp này, kính mong cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ có các biện pháp thanh kiểm tra kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Báo Người tiêu đung sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc trong các kỳ tiếp theo.

Dương Nhung

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nghi-an-sieu-thi-muong-thanh-ban-hang-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-d69023.html