Nghi án phân bón giả Thuận Phong: Nghị trường tranh luận kịch liệt

Sau tranh luận của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng 'nghi vụ phân bón giả Thuận Phong có nguy cơ chìm xuồng', nhiều ý kiến ĐBQH đã tranh luận gay gắt. Có lẽ, đây là nội dung được tranh luận gay gắt nhất qua 2,5 ngày thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 2/11, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) giơ biển tranh luận để trao đổi lại với ĐBQH Hồ Văn Năm ở đoàn Đồng Nai chiều 31/10 về nội dung liên quan đến vụ phân bón giả của công ty Thuận Phong.

“Đối với vụ án Thuận Phong, vụ phân bón giả, ĐBQH Năm đã giải thích rất dài, nhưng trên quan điểm bảo vệ doanh nghiệp và danh dự của doanh nghiệp. Tôi cảm thấy không yên tâm về nhiều ý kiến giải thích nhưng kết luận không có dấu hiệu tội phạm.

Từ chiều hôm qua đến giờ, nhiều cử tri, đặc biệt là cử tri trong ngành Tư pháp đã gọi điện cho tôi bày tỏ không hài lòng về việc này.

Qua nghiên cứu tài liệu liên quan đến vụ việc, tôi thấy rằng, tất cả những tài liệu này đi ngược lại với ý kiến của ĐBQH Năm giải thích trước nghị trường”, ông nói.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn).

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng, việc xử lý của địa phương đang theo hướng tách riêng, chẻ nhỏ hành vi mà lẽ ra nó là một chuỗi các hành vi có liên quan mật thiết với nhau để trở thành những hành vi độc lập, đẩy lui về giới hạn của xử phạt hành chính để xử lý.

Ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đeo bám và chỉ đạo xử lý quyết liệt vụ này để nhân dân yên lòng.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) - người đầu tiên đưa vụ việc công ty Thuận Phong ra nghị trường và xuyên qua 2 nhiệm kỳ có ý kiến về chuyện xử lý phân bón giả, cũng đã giơ biển tranh luận lại nội dung này.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông nói: “Tôi đồng tình với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn của Đà Nẵng. Sau khi ĐBQH Hồ Văn Năm đoàn Đồng Nai phát biểu thì gây ra rất nhiều phẫn uất cho xã hội. Xin nói thêm, ĐBQH Hồ Văn Năm vốn là Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân của Đồng Nai, là Viện trưởng tại thời điểm mà Thuận Phong bị phát hiện.

ĐBQH Hồ Văn Năm có nói là vì nó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nên phải cân nhắc. Xin thưa với Quốc hội là cân nhắc gì mà cân nhắc đến hơn 2 năm vẫn không cân nhắc xong, không nói gì đến thiệt hại của hàng triệu nông dân Việt Nam.

Cử tri nói ĐBQH Hồ Văn Năm chỉ lo lắng cho doanh nghiệp. Tội trạng chưa rõ và chưa bị xử lý, nhưng chính tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử lý hành chính vì kinh doanh phân bón kém chất lượng. Vậy thử hỏi có nên bảo vệ uy tín của một doanh nghiệp vi phạm về kinh doanh phân bón kém chất lượng, chưa nói đến kinh doanh hàng giả hay không”.

“Chính Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã từng có kết luận rằng nhất trí với ý kiến của 6 bộ, ngành là có đủ căn cứ và dấu hiệu về phạm tội trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả của công ty Thuận Phong. Tôi chỉ xin nói một điều, chúng ta hãy làm gì đó thể hiện trách nhiệm cao với nông dân Việt Nam”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho biết.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng giơ biển tranh luận và cho rằng: “Vụ Thuận Phong có lẽ dừng lại ở đây là được rồi, không cần phải bàn đúng-sai. Quốc hội không có nhiệm vụ bàn đúng-sai, mà Chính phủ, cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ĐBQH tỉnh Long An. (Ảnh: Quochoi.vn).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cũng đã giơ biển tranh luận, báo cáo việc liên quan đến vụ phân bón giả Thuận Phong để Quốc hội rõ thêm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “Tôi đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này. Vụ án này 6 bộ, ngành, Trung ương đã thống nhất trả lời văn bản của bộ Công an về kết quả giám định chất chính trong thành phần phân bón. Có lúc tranh luận với nhau chất chính và thành phần chính, cuối cùng thống nhất thành phần chính là chất chính dưới 70%, nên chưa đạt, theo quy định của pháp luật là giả”.

“Trách nhiệm hiện nay thuộc về các cơ quan tư pháp. Tôi cũng đề nghị chờ kết quả điều tra và có sự giám sát của ủy ban Tư pháp Quốc hội. Chúng ta không nên tranh luận tiếp trên diễn đàn về vấn đề này”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tranh luận. (Ảnh: Quochoi.vn).

Trước đó, chiều 31/10, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đã bày tỏ “cảm giác một số vụ việc như bị chìm xuồng” và nói: “Vụ công ty Thuận Phong ở Đồng Nai về phân bón giả, chúng ta chờ mãi mà không thấy đoàn ĐBQH lên tiếng”.

Ngay sau phần tranh luận này, ĐBQH Hồ Văn Năm (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đã có tranh luận lại khá dài, thiên về diễn giải vụ việc trước Quốc hội.

ĐBQH Hồ Văn Năm. (Ảnh: Quochoi.vn).

“Vụ việc này, Bộ Công an chuyển về cho Công an tỉnh Đồng Nai. Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra thụ lý. Trong quá trình điều tra thụ lý thì cơ quan điều tra, viện Kiểm sát và tòa án, các ngành Tố tụng ở Đồng Nai đã họp lại, xác định là chưa có dấu hiệu tội phạm, do đó không khởi tố”, ông nói.

Những “giải thích” của ông đã tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt ngay tại nghị trường như đã nói ở trên.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vu-phan-bon-gia-thuan-phong-tranh-luan-gay-gat-nhat-a344999.html