Nghị án kéo dài 'kỳ án' giao cấu với trẻ em ở An Giang

Tòa cho rằng vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 10-9 tới.

Ngày 4-9, TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm đã tuyên Bùi Văn Sơn (ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú) về tội giao cấu với trẻ em với phần tranh luận.

Trước đó xử sở thẩm TAND huyện An Phú đã tuyên phạt bị cáo Sơn ba năm tù về tội danh trên.

Theo án sơ thẩm, cuối tháng 8-2011, HTTL (sinh tháng 10-1996) đi bán vé số thì được Sơn mua khoảng 30-40 tờ (loại 10.000 đồng/vé). Do có quen biết nên Sơn hẹn L. chiều đến nhà ở ấp An Thịnh, thị trấn An Phú sẽ trả tiền. Khoảng 16 giờ, em L. đến nhà Sơn để lấy tiền vé số thì Sơn dụ dỗ giao cấu và cho tiền. Tổng cộng Sơn đã giao cấu với em L. tổng cộng tám lần tại nhà riêng và nhà nghỉ.

Bị cáo Bùi Văn Sơn

Đến 2-2012 L. phát hiện mình có thai và sinh con. Sau đó, L. đến công an tố cáo Sơn chính là tác giả bào thai trong bụng mình. Tuy nhiên, ba lần giám định AND, kết quả cho thấy Sơn không phải là cha của con L. mà là Nguyễn Văn Bạo. Liên quan đến vụ việc, TAND huyện An Phú đã tuyên phạt bao một năm tù về tội giao cấu với trẻ em.

Tiếp tục phần tranh luận các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng các cơ quan tố tụng không có chứng cứ trực tiếp chứng minh bị cáo giao cấu với bị hại mà chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp khác (đặc điểm nhận dạng thân thể bị cáo, mô tả đặc điểm trong nhà bị cáo và đặc điểm tại các nhà trọ). Tuy nhiên, lời khai của bị hại, nhân chứng, bị cáo và các chứng lại có nhiều mâu thuẫn.

Đồng thời, luật sư cho rằng cần xem xét lại việc cơ quan tố tụng tiến hành tiến hành xem xét dấu vết thân thể của bị hại vào năm 2012, trước khi khởi tố vụ án thì phù hợp với quy trình tố tụng hay không. Tuy nhiên, đại diện VKS không trả lời tranh luận về các vấn đề này.

Luật sư tranh luận tại tòa

Bên cạnh đó, các luật sư cho rằng tòa sơ thẩm đã vượt thẩm quyền trong việc giải quyết vấn đề dân sự. Cụ thể, từ trước nay bị cáo một mực kêu oan, số tiền 300 triệu đồng không phải tiền bồi thường mà đây là số tiền do gia đình bị cáo làm từ thiện cho gia gia đình bị hại. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không hỏi ý kiến bị cáo mà căn cứ vào đó để áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là không phù hợp, tòa sơ thẩm vượt thẩm quyền. Vì thế luật sư đề nghị quay lại phần xét hỏi để xem bị cáo có đồng ý tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả hay không?

Mặc khác, luật sư còn trình bày một số bút lục có dấu hiệu bị cạo sửa như biên bản giao nhận, biên bản khám nghiệm hiện trường.... Từ những vấn đề trên đã số luật sư đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đại diện VKSND An Giang đối đáp tranh luận với luật sư

Đối đáp ý kiến tranh luận của luật sư, đại diện VKS cho rằng qua xem xét hồ sơ, các bút lục bị cạo sửa không dùng làm chứng cứ đánh giá buộc tội bị cáo, không gây bất lợi cho bị cáo. Còn về số tiền 300 triệu đồng thì theo biên bản giao nhận tiền được luật sư lập ra thể hiện đây là số tiền gia đình bị cáo bồi thường cho bị hại với điều kiện bị hại làm bãi nại cho bị cáo. Nếu là tiền làm từ thiện như lời của vợ bị cáo thì tại sao lại đi công chứng, đến công an xác nhận và làm căn cứ bãi nại cho bị cáo. Từ đó, đại diện VKS vẫn giữ quan điểm, đề nghị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Sơn vẫn khăng khăng cho rằng mình bị oạn. “Các cơ quan chức năng muốn kết tội bị cáo thì phải đưa ra các chứng cứ trực tiếp, hình ảnh, ghi hình. Từ ngày xảy ra sự việc đến nay đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chuyện làm ăn, danh dự, hạnh phúc gia đình, bà con. Gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo không thể nào làm ô quế danh dự gia đình như thế được. Bị cáo mong tòa xem xét công tâm” - bị cáo Sơn nói.

Sau một lúc nghị án, tòa cho rằng vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 10-9 tới.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/nghi-an-keo-dai-ky-an-giao-cau-voi-tre-em-o-an-giang-790931.html