Nghi án công ty Đại Gia (Hà Nội) lừa sổ đỏ hàng loạt người dân: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự, các nạn nhân vụ gán 'sổ đỏ' vào ngân hàng cho Cty Đại Gia vay vốn đã làm đơn đề nghị các cơ quan tố tụng cấp cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án. Đồng thời kiến nghị chuyển hồ sơ sang CQĐT để xử lý theo đúng thẩm quyền.

Hình minh họa

Hình minh họa

“Đại gia” bị ngân hàng kiện đòi nợ

Trước đó, vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là một ngân hàng thương mại và bị đơn là Công ty Cổ phần thương mại XNK Đại Gia đã được TAND quận Long Biên xét xử trong Bản án sơ thẩm số 06 ngày 30/5/2017 và Bản án phúc thẩm số 52 ngày 24-26/4/2018 của TAND TP Hà Nội.

Theo hồ sơ, ngày 10/10/2011, ngân hàng ký hợp đồng tín dụng hạn mức với Đại Gia thể hiện việc ngân hàng này cam kết cấp cho Đại Gia (người đại diện pháp luật là ông Hoàng Đức Dũng và bà Trịnh Thị Kim Hà), vay tổng hạn mức rủi ro là 16 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng; mục đích bổ sung vốn lưu động, kinh doanh thép không gỉ. Sau đó Đại Gia đã được giải ngân 7 đợt với tổng cộng 9,75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các tài sản đảm bảo lại không phải là tài sản của Đại Gia mà là tài sản của những cá nhân khác, như: Nhà đất tại số 3, ngách 24/74 phường Việt Hưng, quận Long Biên thuộc quyền sử dụng vợ chồng bà Bùi Thị Mỹ An; nhà đất tại số 29 phường Việt Hưng, quận Long Biên thuộc quyền sử dụng của bà Trương Thị Thu Thủy; nhà đất tại Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Nguyễn Thái Thành.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Đại Gia liên tục vi phạm thời hạn trả nợ nên ngày 15/4/2013 các khoản vay bị chuyển sang nợ ngắn hạn. Phía ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu Đại Gia thanh toán gốc lãi cho khoản nợ nói trên. Bản án số 06 của TAND quận Long Biên đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng; buộc Đại Gia phải thanh toán trả 14,9 tỷ đồng, trong đó gốc 7,3 tỷ, lãi trong hạn 878 triệu, lãi quá hạn 6,6 tỷ.

Bản án bị kháng cáo, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm về cách tuyên, nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc thanh toán nợ theo hợp đồng tín dụng của ngân hàng với Đại Gia với số tiền nợ gốc và lãi như nêu trên. Tuy nhiên, cả hai phiên tòa đều ghi nhận sự vắng mặt tại nơi cư trú của ông Dũng bà Hà, tòa đã nhiều lần triệu tập làm việc nhưng đều vắng mặt.

Có dấu hiệu lừa đảo?

Bà Bùi Thị Mỹ An và bà Trương Thị Thu Thủy (ngụ quận Long Biên, Hà Nội) là hai trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Theo bà An, do có sự quen biết với bà Hà (tại thời điểm năm 2011 bà Hà là Giám đốc Đại Gia). Lợi dụng sự tin tưởng (bà Hà là cháu ruột bà An) và thiếu hiểu biết, bà Hà đã hướng dẫn bà An dùng bất động sản là nhà đất tại số 3 ngách 24/74 đường Ngọc Lâm, Long Biên để thế chấp, bảo đảm cho khoản vay của Đại Gia.

Còn theo trình bày của bà Thủy, bà với bà Hà vốn là bạn bè thân thiết và đồng nghiệp ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên. Vì tin tưởng nên khi bà Hà hỏi mượn sổ đỏ là nhà đất số 25, ngõ 95 phố Lệ Mật, quận Long Biên, bà đã đồng ý. Sau một thời gian bà Thủy đòi lại sổ đỏ thì bà Hà khất lần rồi sau đó không liên lạc được.

Đáng chú ý, trong các bản án đều cho rằng, bà Thủy, bà An là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không chứng minh được việc mình bị lừa dối, ép buộc khi ký hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm về hợp đồng thế chấp tài sản đã ký với ngân hàng. Vì vậy, các hợp đồng thế chấp trên là hợp pháp. Trong trường hợp Đại Gia không trả nợ, ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý các tài sản bảo đảm trên.

Trong khi theo bà An, bà Thủy, theo lời khai của bên bảo đảm khoản vay, người liên quan, lời khai của ngân hàng đều thể hiện nội dung vợ chồng bà Hà có dấu hiệu “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Người bị chiếm đoạt tài sản không chỉ là ngân hàng mà có cả bà An, bà Thủy. “Tuy nhiên, khi phát hiện dấu hiệu phạm tội, tòa án phải có trách nhiệm kiến nghị khởi tố vụ án, nhưng tòa đã không thực hiện mà hai cấp vẫn xét xử để xử lý thu nợ cho ngân hàng”, bà An nói.

Cho rằng hai cấp tòa có những vi phạm trong thu thập, đánh giá chứng cứ, xét xử vụ án thiếu khách quan, dân sự hóa vụ án hình sự, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, bà Thủy, bà An đã có đơn kiến nghị gửi TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ án sang CQĐT xem xét xử lý vụ việc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xác định trách nhiệm của Giám đốc Đại Gia, cán bộ ngân hàng và các cá nhân liên quan.

Gia Khánh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nghi-an-cong-ty-dai-gia-ha-noi-lua-so-do-hang-loat-nguoi-dan-dau-hieu-bo-lot-toi-pham-456336.html