Nghi án 'bẫy mật'

Trong lịch sử quan hệ Nga - Mỹ, những vụ 'đụng độ' có liên quan tới 'mỹ nhân kế' giữa hai bên, luôn là đề tài nóng bỏng. Những điệp viên xinh đẹp, tài năng, bản lĩnh không ít phen khuấy đảo chính trường. 'Bẫy mật' mà các 'mỹ nhân' vẫn sử dụng luôn là phương thức hiệu quả được sử dụng trong hoạt động thu thập tin tức tình báo.

Âm mưu dựng sẵn hay lại là một sản phẩm của truyền thông phương Tây?

"Mỹ nhân" người Nga Maria Butina, 29 tuổi, đang thực sự làm nóng tất cả các tờ báo của Mỹ. Chưa biết "mỹ nhân" này có thực sự là gián điệp như phía Mỹ cáo buộc hay không, nhưng những tình tiết tranh cãi, chưa biết thực hư thế nào do truyền thông Mỹ cung cấp khiến nhiều người tò mò. Nó cũng cho thấy cuộc chiến gián điệp, đặc biệt có liên quan tới các "mỹ nhân" giữa hai cường quốc quân sự chưa bao giờ chấm dứt.

Trang Independent ngày 18-7 dẫn lời các chuyên gia từ Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, một Bồi thẩm đoàn nước này đã nhất trí buộc tội nữ công dân Nga Maria Butina về tội hoạt động gián điệp.

Công dân Nga Maria Butina bị phía Mỹ buộc tội làm gián điệp.

Theo tuyên bố trên, nữ công dân Nga Maria Butina, 29 tuổi, từng theo học tại trường Đại học Mỹ ở Washington, là người sáng lập một nhóm ủng hộ súng đạn mang tên Quyền được mang vũ khí (Right to Bear Arms), bị bắt giữ hôm 15/7, do bị nghi là điệp viên Nga, đã sử dụng tình dục và các mánh khóe lừa gạt để thâm nhập vào một số tổ chức chính trị của Mỹ, như Hiệp hội Súng trường Quốc gia, và lôi kéo các đảng viên Đảng Cộng hòa theo chính sách thân Nga hơn.

Còn tờ Guardian dẫn nguồn tin từ FBI tiết lộ hồ sơ truy tố có viết, Butina tìm cách thiết lập các kênh liên lạc bí mật với các chính trị gia Mỹ để "xâm nhập bộ máy hoạch định chính sách của Mỹ. Theo cáo trạng, Butina nhờ sự giúp sức của một người đàn ông ở Nam Dakota có tên Paul Erickson đã cố gắng xâm nhập vào hệ thống "một đảng chính trị lớn", làm thân với nhiều nhân vật trong đảng này, và "một tổ chức ủng hộ sở hữu súng" nhằm tạo một kênh ngầm giữa các quan chức Mỹ và Nga. Nói cách khác, cô Butina đã lợi dụng quan hệ với các chính trị gia và nhóm chính trị bảo thủ ở Mỹ để thu thập thông tin và lèo lái chính sách Mỹ.

Các tài liệu của báo chí Mỹ cho biết, mỹ nhân này bị cáo buộc "sống chung" với một chính trị gia Mỹ (người được cô này gọi trong nhật ký là "đối tượng Mỹ số 1"), quan hệ với các tỷ phú và những người có ảnh hưởng, đồng thời còn liên hệ với những người được xác định là nhân viên của cơ quan tình báo Nga FSB.

Hồ sơ tố tụng của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ cô Butina đã dùng "tình dục để đối lấy vị trí lợi ích đặc biệt trong một tổ chức chính trị". Không chỉ có vậy, phía Mỹ còn cáo buộc Maria Butina nhận hỗ trợ tài chính từ một tỷ phú Nga có quan hệ với các công ty năng lượng và công nghệ của Mỹ.

Theo tuyên bố của phía Mỹ, Butina bị phát hiện đã từng gặp mặt với cả những quan chức cấp cao hàng đầu thuộc (FED) và Bộ Tài chính Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ cuộc điều tra về Butina cho biết, cô này đã đến Mỹ từ tháng 4-2015 cùng với Alexander Torshin, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, và tham dự các cuộc gặp riêng với Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Stanley Fischer và Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Nathan Sheets về vấn đề quan hệ kinh tế giữa Nga và Mỹ. Cuộc gặp với ông Fischer và Sheets được sắp xếp bởi Trung tâm về lợi ích quốc gia, vốn chuyên nghiên cứu các chính sách đối ngoại và thường có quan điểm thân Nga.

FBI thậm chí còn so sánh Butina với Anna Chapman, một phụ nữ Nga từng bị bắt giữ hồi năm 2010 và sau đó bị trục xuất trong một đợt trao đổi tù nhân của hai nước Nga-Mỹ.

Trong phiên điều trần ngày 18/7 vừa qua, luật sư của Butina, ông Robert Driscoll đã phủ nhận tất cả các cáo buộc trên.

"Các anh không thể quy tội một người là điệp viên Nga chỉ vì người đó có mái tóc đỏ", cô Butina nói. Sau buổi điều trần ngày 18-7, ông Driscoll đã trả lời các phóng viên có mặt tại tòa rằng thân chủ của ông tôn trọng các thẩm phán, tuy nhiên cô cực lực phản đối quyết định của tòa. "Cô ấy biết rằng mình đã bị theo dõi và điều tra trong nhiều tháng qua, nhưng không hề có dự định trốn chạy", ông Driscoll khẳng định cô Butina không phải là điệp viên Nga, mà chỉ là "một nữ sinh viên trẻ tuổi đang nỗ lực tìm đường tiến thân ở Mỹ".

Nước Nga không "buông"

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm 21-7-2018 cũng đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng người phụ nữ bị bắt ở Mỹ với cáo buộc điệp viên Nga đang bị giam giữ dựa trên những cáo buộc giả và cần phải được thả. Theo Reuters, ông Lavrov đã nói rằng hành động của giới chức Mỹ - những người đã bắt giữ Butina trên cơ sở những cáo buộc sai trái, là không thể chấp nhận được.

Trong cuộc điện đàm, ông Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo cũng thảo luận về các cách cải thiện quan hệ song phương trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi sau khi lãnh đạo hai nước - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump gặp thượng đỉnh tại Helsinki hôm 16-7.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 19-7 cũng ra tuyên bố cô Butina vô tội, tin chắc sẽ được chứng minh vô tội tại tòa. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng cho biết, cơ quan của ông đang làm mọi việc trong quyền hạn của mình để giải quyết vấn đề của Butina nhanh nhất có thể. Bộ Ngoại giao Nga cũng mở một chiến dịch trên Twitter kêu gọi trả tự do cho cô Butina.

Theo Sputnik, tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã đổi ảnh đại diện thành chân dung Maria Butina, nhằm kêu gọi trả tự do cho sinh viên 29 tuổi này. Người phát ngôn Maria Zakharova cho biết, dường như FBI đang tiến hành việc đánh lạc hướng chính trị thay vì thực hiện nhiệm vụ chống tội phạm. Nga sẽ tiến hành tất cả biện pháp có thể để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Maria Butina.

Luật sư của Maria Butina tin chắc những lập luận của các công tố viên Mỹ chống lại nữ công dân Nga là thiếu căn cứ. Thông tấn TASS của Nga dẫn lời Luật sư của Maria Butina hiện đang bị chính quyền Mỹ bắt giam chờ ngày xét xử, là Robert Neil Driscoll nhận định rằng, các lập luận chống lại Maria Butina là "rất yếu ớt".

Luật sư này cho rằng: "Tôi không chắc động cơ của các công tố viên Mỹ là gì nhưng những cáo buộc cho rằng cô ấy là gián điệp không được chứng minh bằng những hành vi của cô ấy, đặc biệt là trong thời gian cô ấy bị giám sát, theo dõi". "Những gì tôi thấy và những gì Chính phủ Mỹ cáo buộc, tất cả những gì mà cô ấy bị cáo buộc là đã làm đều là sản phẩm sai lầm được thiết lập bởi những kênh truyền thông", luật sư này nói thêm.

"Bẫy mật"

Cho tới ngày 23-7-2018, nhiều cơ quan hữu trách của Mỹ vẫn im lặng trước thông tin thảo luận về đặc vụ tình nghi của Nga. AP cho rằng, vụ việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Nga-Mỹ. Cả Moscow và Washington đang có những bước đi thận trọng để không ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương. Hai bên đã quá hiểu nhau khi trong lịch sử lâu dài của quan hệ Nga - Mỹ, vụ bê bối gián điệp như vừa rồi không phải là điều mới, nhất là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Anna Chapman, một điệp viên huyền thoại từng khuấy đảo chính giới Mỹ.

Có thể thấy rõ, quan hệ ngoại giao Nga, Mỹ trong lịch sử nhiều lần nóng lên do những bê bối gián điệp gây chấn động hai nước, làm kích động các biện pháp trả đũa và dẫn tới án tù hàng chục năm đối với nhiều điệp viên. Nhìn lại một số vụ hoạt động gián điệp gần đây cho thấy một lịch sử lâu dài và phức tạp của hoạt động này trong quan hệ song phương Nga - Mỹ. Vụ việc đình đám nhất cũng liên quan tới các "mỹ nhân" là năm 2010, nhà chức trách Mỹ bắt giữ 10 người Nga, trong đó có Anna Chapman - người bị cáo buộc là gián điệp nằm vùng.

Tại bất cứ quốc gia nào, công tác tình báo luôn là một trong những ngành đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Những người tham gia vào ngành này cũng rất đa dạng. Họ không chỉ là những nhân viên tình báo được đào tạo chuyên nghiệp với thần kinh thép, khả năng xử lí tình huống siêu nhanh, hào hoa phong nhã, tiêu tiền như ông chủ... mà trong ngành tình báo còn có cả những bóng hồng.

Nhiều quan chức thích phụ nữ đẹp, đặc biệt đó lại là những "mỹ nhân tài sắc vẹn toàn". Nắm được "tim đen" này, ngành tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng "mỹ nhân kế" để xoay chuyển tình huống, đem về những tin tức tình báo chiến lược. Lịch sử cuộc chiến tình báo Nga - Mỹ ghi lại, Jenifer Lane - một cô gái gốc Nam Phi với thân hình thiên phú và vẻ đẹp hút hồn đã được KGB phát hiện, tuyển dụng và đào tạo trở thành một điệp viên tài sắc đẹp vẹn toàn, được tung vào Mỹ hoạt động những năm 60 của thế kỷ trước.

Mục tiêu của cô là những nhân vật có tiếng nói trọng lượng trong Nhà Trắng, những nhà hoạch định sách lược của Nhà Trắng, và cô đã rất thành công khi moi được nhiều thông tin giá trị. Cô bị phát hiện xuất phát từ tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên, khi thùng thư chết là một hốc cây nhỏ bên chân của một bức tường vô tình bị người làm vườn khi tới sửa chữa khu vườn phát giác nhiều tài liệu có đề rõ tên của một số nhà ngoại giao.

Ông này thấy rõ đây là những tài liệu rất quan trọng và quyết định giao nộp và báo cáo cho FBI. FBI đã theo dõi và phát hiện ra cô đã có những mối liên hệ vô cùng thân mật và mật thiết với các quan chức chính trị chóp bu của nước Mỹ. Thậm chí cô còn là tình nhân của một số quan chức có chức vụ rất cao trong chính phủ. Năm 1969, FBI đã phối hợp công tác cùng với cơ quan tình báo Nam Phi để truy tìm tông tích của cô. Lúc này cục tình báo Nam Phi mới biết và bắt đầu bắt tay vào điều tra. Kết quả là sau nhiều năm theo dõi, cô đã bị FBI và cơ quan tình báo Nam Phi bắt, kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của mình.

Một "mỹ nhân" khác từng hoạt động tình báo vô cùng xuất sắc tại Mỹ là nữ điệp viên có tên Anna Chapman - một điệp viên có vẻ ngoài xinh đẹp và đầy quyến rũ. Anna Chapman có tên khai sinh là Anya Kushchenko, sinh năm 1982 ở Volgograd, trong một gia đình được cho là có truyền thống làm gián điệp vì cha của cô - ông Vasily Kushchenko, một nhà ngoại giao kỳ cựu.

Tuy nhiên, khác với cha, Chapman không đi theo ngành ngoại giao mà theo học về kinh tế. Trong thời gian học ở trường Đại học Moscow, cô tình cờ gặp một doanh nhân người Anh tên Alex Chapman và bén duyên với ông này. Sau khi kết hôn vào năm 2002, Chapman cùng chồng luân phiên sinh sống ở cả Anh và Nga. Tuy nhiên, đến năm 2006, cặp đôi này ly hôn. Chapman sau đó về lại Nga sống một thời gian rồi sang Mỹ sinh sống.

Sau khi tới Mỹ, Chapman lập một công ty bất động sản và tích cực mở rộng các mối quan hệ. Ban ngày, cô tới công ty hoặc gặp khách hàng, còn buổi tối thì thường xuyên xuất hiện ở những nhà hàng hay câu lạc bộ đêm nổi tiếng nhất thành phố New York.

Theo tài liệu do tòa án Mỹ cung cấp, những hoạt động này chính là vỏ bọc để Chapman che giấu công việc gián điệp của mình. Cho đến khi bị bắt, không ai biết cô bị kết tội do thu thập được những thông tin tình báo gì. Chỉ biết rằng, Chapman được miêu tả là người ngọt ngào, một số khác cho biết cô rất lả lơi. Còn người mẫu Dennis Hirdt từng qua lại với Chapman trong một thời gian thì nói rằng Chapman chính là "chuyên gia trong việc lợi dụng tính nữ" để đạt được mục đích của mình.

Một chuyên gia của FBI cũng cho rằng Chapman không chỉ là một người phụ nữ quyến rũ chết người mà còn là một sĩ quan tình báo được đào tạo bài bản. Theo nhận xét của giới chức Mỹ, không chỉ giỏi quyến rũ con mồi, Chapman còn là một người có hiểu biết sâu rộng về công nghệ và đặc biệt rất có năng lực gián điệp nhờ vào việc vừa giỏi ngoại ngữ, vừa có thể thích nghi và hòa nhập nhanh chóng vào xã hội.

Các chuyên gia của CIA nhận định, việc điệp viên đôi khi có dùng sex để đổi thông tin "thỉnh thoảng" vẫn xảy ra. Tuy "bẫy mật" không phải là cách tốt nhất để chiêu dụ quan chức nước ngoài nhưng đôi khi "nó giải quyết được một số vấn đề ngắn hạn".

Nhà báo Nga Inna Svechenovskaya, tác giả của nhiều cuốn sách có liên quan tới hoạt động của các điệp viên, trong đó có nhiều câu chuyện về sex trong lĩnh vực tình báo tiết lộ, nhiều điệp viên đã sử dụng "bẫy mật" rất hiệu quả, và thậm chí họ nâng nó thành một nghệ thuật như một thứ vũ khí nguy hiểm - một con dao hai lưỡi.

Hoa Huyền (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nghi-an-bay-mat-502945/