Nghẹt thở giành con từ… người giúp việc

Trong nhiều năm bao đồng đi giới thiệu người giúp việc giùm bạn bè, tôi đã vô tình 'mai mối' cho bạn tôi một cuộc giành con ngấm ngầm.

Cô bảo mẫu siêu giỏi

“Nhiều đêm mình phải tới xưởng in trực sản xuất nên rất mệt, ráng tìm giúp mình một người trông bé chuyên nghiệp, biết nấu ăn cho trẻ, biết dỗ trẻ ngủ cùng khi cần nha”, Phương - một bà mẹ trẻ ở Tân Phú - trông cậy nhắn tôi.

Tôi lên mạng rao cái tin tìm người giúp việc. Bạn bè vào share - comment - like rất đông. Bẵng đi đôi tuần, chị Phương báo rằng, có một chị trung niên tuổi 45 hẹn tới xem nhà, xem em bé theo số điện thoại của Phương trong tin rao tìm.

Chị giúp việc nói đã giúp trông nhiều bé tuổi ăn dặm. Chị có mười năm kinh nghiệm giúp việc ở TP.HCM. Độ tuổi, sự cẩn thận lẫn sức khỏe, kinh nghiệm của chị đều đạt chuẩn. Phương rất mừng. Bù lại, chị giúp việc yêu cầu gia chủ phải đạt một số “hạng mục” về phòng ốc, số thành viên trong gia đình và cả… chế độ ăn của giúp việc.

Những yêu cầu trên đều vô tình mà “đạt”, vợ chồng Phương hồ hởi đi đón giúp việc về, sắp xếp phòng ốc, giao bếp, giao con rồi kéo nhau đi làm.

Mọi chuyện có vẻ yên ả. Thi thoảng tôi hỏi thăm, Phương khen người giúp việc này… giỏi chưa từng thấy. Vợ chồng Phương còn đặt nickname là chị Giỏi. Chỉ có điều, chị Giỏi không biết chữ, không biết dùng điện thoại, không có giấy tờ tùy thân. Khi chủ nhà gợi ý nghỉ phép về quê làm giấy chứng minh nhân dân, chị Giỏi lấy cớ không biết chữ, quê lại xa, khó khăn quá nhiều…

Phương chốt: “Thôi thì, bả yêu con mình, con mình quấn bả lắm. Giao con cho bả đi cả đêm cũng chẳng sao. Mừng chớ”.

Vì bỏ bê con cho người giúp việc, không ít bà mẹ "ra rìa" trong lòng bé (ảnh minh họa)

Phút giật mình muộn màng

Chính vì cái sự “mừng chớ” của Phương mà đoạn sau đó, vợ chồng chị có những tháng ngày sống trong phấp phỏng.

Vì giao con hoàn toàn cho người vú em, nên Phương không thể can thiệp vào việc nuôi dạy con. Từ chợ búa, tiêu dùng tới chuyện ăn ngủ của bé, chị Giỏi quyết hết. Chị Giỏi nấu cháo kiểu xưa, không cần rau củ. Do được ôm ấp hôn hít quá nhiều, thằng bé suốt ngày đòi chị Giỏi bế. Dần dà Phương như người thừa, không thể tách bé ra khỏi cô giúp việc. Buổi tối chị bận công việc không thể ru con ngủ, đành cho bé ngủ cùng người bảo mẫu.

Chỉ đến lúc Phương nghe chị Giỏi xưng hô má - con với con mình, thì cảm giác chạnh lòng, tự ái xuất hiện. Chị bắt đầu cảm thấy chị Giỏi có ý chia rẽ mẹ con chị, kiên quyết không cho bé ngủ cùng hay ôm ấp mẹ với lý do: “Mẹ mệt, con ra đây với má nha”.

Một hôm, vô tình Phương gặp một sư cô ở cổng chùa gần nhà. Sư cô kể rằng chị Giỏi cùng anh chồng tới đăng ký vào danh sách chờ xin trẻ mồ côi, nhưng do họ không có giấy tờ vợ chồng, nên nhà chùa không tiếp nhận thông tin. Giật mình, Phương về hỏi thì chị Giỏi mới kể, do chị thèm có đứa trẻ để nuôi nên có nhờ anh bạn trai, quen từ khi làm việc ở nhà cũ, đóng giả vợ chồng để đi xin con vì nhà chùa không giao trẻ cho người độc thân…

Lúc này, Phương mới hỏi chồng, làm cách nào chị Giỏi gặp gỡ anh bạn đó khi mà chị nói chị không có điện thoại. Anh chồng chợt nhớ có vài lần anh thức giữa khuya, thấy có tiếng người nói chuyện rì rầm trên lầu, nhưng nghĩ là tiếng ti vi, anh không lưu tâm.

Hốt hoảng, Phương lấy cớ tìm đồ và vào phòng chị Giỏi thì phát hiện những vật lạ: mấy tờ giấy chữ viết ghi thực phẩm cần mua (cho thấy chị Giỏi có biết chữ) và chiếc điện thoại bấm số rất nhỏ.

Có lần, nghe tin hẻm gần nhà có gia đình muốn tặng em bé cho người hiếm muộn, Phương vội vã đốc thúc thì chị Giỏi lại thờ ơ.

“Mình chợt nhận ra, khi mình sốt sắng đi xin em bé khác thì chị Giỏi lại tìm cớ thoái lui. Hình như chị ấy có tình cảm đặc biệt với con mình, chỉ muốn thằng bé trở thành con chị. Có lẽ do khát khao con cái, lại gặp đứa trẻ dễ thương, nảy sinh tình cảm với đứa trẻ mình chăm sóc cũng là bình thường. Vấn đề là nếu khát khao ấy cao quá, chị giúp việc có mang con mình đi khỏi nhà không?”. Phương bắt đầu hoang mang tột độ, phải dặn dò hàng xóm trông chừng, bỏ công ăn việc làm theo dõi người giúp việc.

Việc “giao khoán” con cho bảo mẫu có thể khiến bố mẹ mất tư cách nuôi dưỡng trong trái tim con trẻ

Cho nghỉ việc một người làm việc nhà thì dễ, nhưng khi các chứng cứ còn chưa rõ ràng, người làm trong nhà cũng không có lỗi lầm gì cụ thể, nếu mình đuổi việc họ, thì có nhẫn tâm không? Phương trăn trở điều ấy nhiều ngày.

Cuối cùng tôi thúc Phương tạm nghỉ việc, ở nhà với con, tìm cách lấy lại dần tình yêu của con, giãn cách tình cảm giữa con và cô bảo mẫu. Cũng là để canh chừng những chuyện bắt trắc. Mất việc có thể tìm lại, nhưng lỡ mất con, liệu có hối kịp không?

Giữa lúc chủ nhà hoang mang thì chị Giỏi gây ra một việc gian dối nhỏ. Vin vào lý do đó, Phương kiên quyết cho chị giúp việc mà mình đã tự đặt cho cái tên “Giỏi” nghỉ việc - để giữ an toàn cho con.

Phương đưa chị Giỏi ra bắt xe, cả hai đều khóc. Nước mắt của chị Giỏi có lẽ là giọt nước mắt oán hờn người chủ vô tình. Còn nước mắt của Phương là nước mắt của cảm giác nhẫn tâm, áy náy, sợ sự đa nghi của mình đổ xuống một người tốt…

Bé con 15 tháng, Phương cho đi nhà trẻ. Lúc nộp hồ sơ, Phương chỉ nói với cô hiệu trưởng: “Em nghĩ con đi nhà trẻ sớm có thiệt thòi, nhưng sẽ học tính tự lập cao hơn. Lớp học cũng an toàn hơn gian bếp, khi nhà chỉ có bé và cô giúp việc”.

Hồng Hạnh (Q.Tân Phú)

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/cung-con-truong-thanh/nghet-tho-gianh-con-tu-nguoi-giup-viec-267915.html