Nghèo đa chiều - những thách thức mới

Theo công bố trong báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), số hộ nghèo, cận nghèo đo theo chuẩn nghèo đa chiều tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022). Việc thay đổi chuẩn nghèo theo hướng đo toàn diện hơn, sẽ giúp các chính sách hỗ trợ xã hội mở rộng và chú trọng hơn đến các hộ gia đình khó khăn, đặc biệt ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số.

Như vậy, khi đo theo chuẩn mới, sẽ có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo đa chiều được Chính phủ phê duyệt từ năm 2021. Nếu như trước đây, tiêu chí nghèo xác định dựa trên căn cứ duy nhất là thu nhập thì chuẩn mới mở rộng thêm các tiêu chí về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nghĩa là chú trọng toàn diện hơn đời sống của một hộ gia đình.

Cụ thể, từ ngày 1.1.2021, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ với hai nhóm tiêu chí. Về thu nhập, khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng. Có 12 chỉ số đo mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong 6 nhóm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh và thông tin). Các chỉ số chi tiết gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Đây là hướng tiếp cận rất tiến bộ, dùng làm căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; từ đó có cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2021 - 2025. Con số 10 triệu người nghèo, cận nghèo tăng thêm không có nghĩa làm lu mờ các kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà ngược lại, sẽ làm nền tảng cho chính sách phát triển toàn diện, bình đẳng được củng cố và thực thi hiệu quả hơn.

Dựa trên bộ tiêu chí mới, báo cáo của UNDP, một mặt ghi nhận Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội; và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Mặt khác, báo cáo cũng chỉ ra các vấn đề như tính dễ bị tổn thương của một số nhóm cộng đồng và khoảng cách thu nhập, tiếp cận dịch vụ giữa các nhóm dân cư vẫn gia tăng. Trong đó đáng chú ý là tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo cáo cũng lưu ý, mặc dù chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức. Sự phân chia kỹ thuật số càng sâu hơn trong thời kỳ Covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp. Người di cư không được nhận trợ cấp.

Đây là những thông tin hữu ích, giúp làm căn cứ để Quốc hội có thêm thông tin, từ đó thảo luận các chính sách cụ thể hơn nhằm đẩy mạnh giảm nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm dân cư. Làm được những việc này cũng chính là đóng góp cho mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bảo đảm phát triển bình đẳng, thịnh vượng cho mọi nhóm dân cư.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-de-hom-nay/ngheo-da-chieu---nhung-thach-thuc-moi-i296798/