Nghẹn ngào với Gửi vào thương nhớ của Tố Nga

Gửi vào thương nhớ là những hoài niệm đầy xúc cảm, lấy đi thật nhiều nước mắt của khán giả.

Khoảng một năm sau khi gửi tới công chúng MV Cúc ơi tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong ở Đồng Lộc, tháng 7 này nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tố Nga lại dành tặng những người lính đã hy sinh vì đất nước một sản phẩm âm nhạc với tên gọi Gửi vào thương nhớ.

Đưa cả dàn nhạc đến nghĩa trang tri ân liệt sĩ

. Phóng viên: Rất nhiều nghệ sĩ đều muốn ghi dấu bằng những liveshow trên hành trình âm nhạc, còn Tố Nga lại được lưu nhớ bằng những MV về đề tài chiến tranh. Tại sao thế, thưa chị?

+ NSƯT Tố Nga: Đúng là cuộc đời người nghệ sĩ ai cũng muốn có một liveshow để được hát, được kể những điều làm nên thành công trong sự nghiệp của mình. Hiện tại tôi chưa thực hiện được nhưng có thể là vẫn sẽ thực hiện khi nào có điều kiện.

Thực ra tôi vốn dự định sẽ có hai dự án lớn là làm MV Gửi vào thương nhớ và liveshow vào cuối năm, đúng dịp sinh nhật mình. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện MV thì tôi đã dồn hết cả tâm huyết, động lực, thậm chí cả tài sản vào dự án này và lấy đây làm mốc ghi lại dấu ấn 25 năm làm việc của mình.

. Một hình ảnh rất ấn tượng trong MV đó là sự xuất hiện của cả dàn nhạc giao hưởng tại Nghĩa trang Đường Chín. Tại sao chị lại có ý định này?

+ Nhiều người vẫn nói tôi “chơi lớn” khi mang cả dàn nhạc giao hưởng 40 người ra quay ở Nghĩa trang Đường Chín. Tôi muốn làm điều đó để thể hiện mong ước của người cha thấy con gái mình được hát giữa dàn nhạc giao hưởng thật lớn. Và tôi cũng rất may mắn khi được các nghệ sĩ thuộc dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Huế vào hỗ trợ.

Hình ảnh trong MV Gửi vào thương nhớ.

Hình ảnh trong MV Gửi vào thương nhớ.

Khó khăn chồng chất khó khăn

. Ngoài sự hỗ trợ đó, trong quá trình làm MV chị gặp phải những khó khăn nào?

+ Khó khăn nhất chính là việc phải vận chuyển chiếc đàn piano ba cánh từ Huế vào Quảng Trị vì êkíp đã lục tung cả Quảng Trị nhưng không có chiếc piano loại này. Để vận chuyển, đoàn phim đã phải thuê riêng một chuyến xe tải đưa đàn từ Huế vào. Mỗi lần di chuyển chiếc đàn là một lần vất vả vì vừa phải bảo quản, lại mất hơn chục người mới khiêng nổi.

Khó khăn nữa là đang quay bối cảnh lớn nhất thì trời mưa, nếu đợi đến ngày mai thì hỏng cả MV vì không còn dàn nhạc nữa. Tố Nga không biết diễn tả cảm xúc lúc ấy là gì nữa, nó thực sự rất khó nói. Cũng may là sau khi mưa hai tiếng thì trời tạnh ráo và đoàn làm phim đã quay được cảnh đó.

. Mặc dù đã gặp phải nhiều khó khăn nhưng cuối cùng MV Gửi vào thương nhớ có lẽ đã thực hiện được tâm nguyện của chị và chạm đến trái tim của người nghe. Những lúc khó khăn như thế, điểm tựa và động lực nào đã giúp chị vượt qua?

+ Khiquay MV Cúc ơi ở Hà Tĩnh, cũng là quê nhà của tôi nên tôi nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều người, nhiều đơn vị, tất cả điều đó giúp mọi việc trở nên nhẹ nhàng.

Còn với Gửi vào thương nhớ thì phải nói là thực sự vất vả. Chúng tôi quay ở Quảng Trị, nơi tôi không có mối quan hệ. Nhớ có lúc chúng tôi “mượn” bộ đội không được, cuối cùng phải nhờ các em học sinh đóng, các em không có kỷ luật như quân đội nên việc làm sao để chỉ đạo hơn trăm con người rất vất vả.

Đến lúc này thì tôi cảm thấy may mắn, tôi với đạo diễn Lam Hạ nói đùa với nhau MV này là “phút chót” vì toàn phải tới phút cuối mới có thể hoàn thành các công việc một cách như ý.

. Nói đến phút cuối, tôi được biết khi thực hiện cảnh quay chính ở khu lục giác Nghĩa trang Đường Chín, bốn ngày trước nắng như đổ lửa nhưng đến khi quay cảnh quan trọng thì trời lại đổ mưa không ngớt. Sự lo âu và tuyệt vọng cuối cùng lại đổi lại cảnh quay ấn tượng. Chị có thể kể lại chuyện này không.

+Như đạo diễn Lam Hạ đã nói, việc tổ chức cho cả một đoàn quay mấy chục nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng mất rất nhiều thời gian, đặc biệt việc di chuyển đàn piano ra được nghĩa trang là cả thách thức, khó khăn đối với êkíp. Mọi người vừa chuẩn bị xong đâu vào đấy thì trời bắt đầu mưa như trút nước. Lúc đó Lam Hạ đã bật khóc vì chỉ còn ba tiếng nữa là hết nắng, nếu không quay được thì coi như “vỡ trận”.

Thế nhưng đột ngột mưa ngừng rơi khiến chúng tôi đều bất ngờ. Trời sau mưa lại đẹp hơn bao giờ hết, cả một bầu trời xanh mây trắng, không khí mát mẻ. Tuyệt vời hơn là trận mưa đó xóa đi những hạt bụi còn vương trên mộ các liệt sĩ, làm xanh thêm những tán cây ngọn cỏ, trôi đi những giọt mồ hôi mặn chát đầm đìa trên người chúng tôi. Cơn mưa cũng trả lại cho Nghĩa trang Đường Chín và đoàn phim một bầu không khí tươi mát, một bối cảnh thanh sạch, rất tuyệt vời.

. Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.

MVGửi vào thương nhớ với độ dài hơn 11 phút vừa được NSƯT Tố Nga chính thức phát hành. Đặc biệt, ca khúc Gửi vào thương nhớ được nhạc sĩ Trọng Lập phổ nhạc từ bài thơ Viếng mộ ba của nữ tác giả Minh Ngọc viết dành cho cha mình đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Khi phổ nhạc bài thơ, nhạc sĩ đã giữ gần nguyên vẹn lời thơ bởi đó là những tâm sự chất chứa yêu thương, mong nhớ của tác giả dành cho cha đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Đường Chín.

Vét hết tài sản để làm MV

Kinh phí thực hiện MV rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với MV Cúc ơi trước đó. Thực sự chúng tôi cũng chưa tính toán được con số cụ thể, chỉ có thể nói là Tố Nga đã vét hết tài sản của mình rồi. Bất kỳ ai làm gì cũng rất quan tâm tới thành quả nhưng với Tố Nga, trong quá trình thực hiện MV đã có được những cảm xúc đong đầy và đó chính là điều giá trị nhất.

NSƯT TỐ NGA

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nghen-ngao-voi-gui-vao-thuong-nho-cua-to-nga-847780.html