Nghẹn ngào nỗi đau... 'con giết mẹ'!

Kể từ bận mẹ không còn, không ngày nào Thìn được sống yên ổn. Sự dày vò bản thân khiến Thìn hơn một lần nghĩ đến cái chết để kết thúc cuộc đời của một đứa con bất hiếu. Nhưng Thìn đã không thể làm. Điều đó khiến cho hắn luôn vùng vẫy trong tột cùng khổ đau...

Dù cho cố ý hay vô tình thì sự thật bà Nguyễn Thị Linh (SN 1960) mẹ của Phan Văn Thìn (SN 1988, trú tại thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan, H.Cẩm Xuyên) cũng “ra đi” bởi bàn tay hắn. Bây giờ hắn lại quay ra “thèm” vô cùng tiếng cằn nhằn của mẹ, hắn lại ước được quay lại những tháng ngày xưa cũ, hắn nguyện sẽ không phàn nàn mặc mẹ cứ mắng chửi, rầy la. Chỉ cần mẹ hắn còn sống là đủ!

Người ta từng nói “khi mất đi mới thấy hối tiếc”, chính là cảm nhận của Thìn lúc này. Suốt phiên xét xử, Phan Văn Thìn liên tục khóc, nói ân hận vì phút bốc đồng, nóng giận nhất thời đã gây trọng tội với mẹ, giờ phải trả giá cho hành động ngang ngược của mình. Hắn đã thốt lên những lời từ đáy lòng trong nhạt nhòa nước mắt: “Tình mẫu tử hàng chục năm, trong phút chốc bỗng tan thành mây khói. Giờ có biện minh gì cũng vô ích”. Hắn nói, hắn cùng vợ và hai con nhỏ sống với bố mẹ già ở thôn Thanh Mỹ. Bản thân hắn không có nghề nghiệp ổn định vì vậy thường tham gia các băng nhóm đòi nợ thuê trên địa bàn để kiếm tiền. Chính vì kinh tế khó khăn nên Thìn hay cáu gắt với các thành viên trong gia đình, thậm chí không ít bận hắn đã có thái độ hỗn hào với mẹ khi được mẹ khuyên can.

Nói về cái ngày “định mệnh” ấy, đầu Thìn cúi gằm, hai tay nắm chặt vào bục khai báo như tìm điểm tựa để không bị ngã quỵ. Hắn chậm rãi kể, tối ngày 11/2 khi đi chơi về, thấy phòng bếp vương vãi thức ăn trên nền nhà nên lớn giọng trách mẹ (bà Nguyễn Thị Linh): “Đi đâu mà không đóng cửa để chó mèo tha thức ăn khắp nơi”. Bà Linh từ bên nhà hàng xóm nghe con trai to tiếng ở nhà nên vội đi về đáp: “Cứ để vậy, lát nữa lau dọn”. Thìn gằn giọng: “Dọn thì làm đi, nói gì nữa”. Hai mẹ con sau đó to tiếng với nhau, một lúc, Thìn định lấy xe máy đi chúc tết bạn bè song bà Linh không cho, bà đến giành chìa khóa thì bị cậu con trai đánh trả. Vợ Thìn là chị Nguyễn Thị Trâm cùng một người hàng xóm sau đó chạy tới can ngăn. “Tôi bị mẹ mắng, cầm cốc thủy tinh ném trúng người song không gây thương tích. Khi bà ấy cầm cuốc để đánh thì bị tôi giành lấy rồi vứt đi”, Thìn đưa ra lý do.

Bị cáo Phan Văn Thìn

Thìn cho rằng, tưởng sau vài phút, mẹ đã nguôi giận nên hắn lại lấy xe máy để đi chơi vậy nhưng lần này mẹ lại tiếp tục rút chìa khóa. Trong lúc bực bội hắn dọa sẽ đốt chiếc xe. Và rồi, hai mẹ con tiếp tục xô đẩy, giành nhau chiếc chìa khóa xe. Cũng chính trong lúc này, Thìn đã dùng tay đẩy vào vai mẹ mình khiến bà ngã về phía sau, đập đầu xuống nền sân xi măng bất tỉnh và tử vong sau một tuần dù được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu.

Nói đến nguyên nhân cái chết của mẹ, giọng Thìn lạc đi, tay liên tục đưa lên che lấy miệng cố ngăn không cho tiếng khóc bật to. Trước câu hỏi của vị Chủ tọa “Tại sao khi mẹ kiên quyết ngăn không cho lấy xe máy đi chơi mà bị cáo vẫn cố tình giành cho bằng được”. Thìn cho rằng lúc đó bản thân không làm chủ được nên hành động mù quáng. Khi mẹ bị ngã xuống nền xi măng, nghĩ bà chỉ bị vết thương nhẹ ngoài da thôi, chứ không hay biết nó nguy hiểm đến tính mạng. “Ngày đưa tang mẹ, lòng bị cáo day dứt khi không thể tiễn bà lần cuối. Bảy tháng bị tạm giam, đêm đến ngủ không tròn giấc, lúc nào cũng ám ảnh bởi sự việc do mình gây ra. Là anh cả, bố của hai con nhỏ, đáng lẽ phải gương mẫu để mọi người noi theo nhưng tôi đã không làm được điều đó”- Thìn nghẹn ngào.

Đứng trước bục khai báo, cơ thể Thìn cứ co rúm lại từng chặp. Mỗi lần tai hắn lọt vào những tiếng xì xào “thằng con bất hiếu, giết mẹ...”, nước mắt hắn lại đầm đìa, tim hắn thắt lại. Đặc biệt khi đứng nghe cha hắn, người đai diện cho bị hại có ý kiến. Nếu như Thìn đau lòng một thì ông Phan Văn Hân (SN 1962), bố hắn đau mười. Cùng lúc, ông phải chịu hai nỗi đau, nỗi đau vợ mất và con trai vướng vào vòng lao lý. Được tòa mời thẩm vấn, ông Hân cho hay, gần một năm qua khi vợ mất, con bị tạm giam, gia đình ông sống cuộc sống khép kín, rất ngại tiếp xúc với xóm làng. Ông đau đớn tự nhận phần lỗi về mình khi không giáo dục được con sống tử tế. “Sự việc đã qua, giờ có làm gì đi nữa thì vợ tôi cũng không thể quay về. Bài học này thật đắt nhưng con hãy nhớ lấy nó để đừng phạm sai lầm tương tự. Mong tòa giảm nhẹ hình phạt để Thìn sớm trở về làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội”, ông Hân nói trong nước mắt.

Ông Phan Văn Hân chịu cùng lúc hai nỗi đau

Ông Phan Văn Hân chịu cùng lúc hai nỗi đau

Hẳn nhiên đằng sau bất cứ một sự mất mát nào cũng để lại nỗi đau lớn. Bây giờ chỉ cần nghĩ đến người mẹ ấy sống cuộc sống khổ cực, quanh năm vùi mặt vào công việc từ sáng sớm đến tối mịt để lo cho gia đình, để nuôi hắn đến ngày lập thất... nhưng hắn đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của mẹ, hắn chỉ tiếc không thể chết đi. Hắn lại nghĩ, bây giờ hắn có bị trừng trị như thế nào cũng là hình phạt thích đáng. Chỉ tiếc, hắn đi tù 5 năm, 10 năm hay nhiều năm hơn nữa thì sự thật hắn đã “giết chết” mẹ hắn cũng sẽ hằn mãi trong tâm trí của mọi người. Bây giờ hắn đã có đủ thời gian để ngẫm, “dẫu cho mẹ có nặng lời la mắng cũng là đời của mẹ không gì ngoài hi vọng nhìn thấy hắn thành người đàng hoàng”. Chỉ tiếc, khi hắn “biết nghĩ” thì mọi sự đã trở nên quá muộn...

Được nói lời sau cùng, Thìn khoanh tay, hướng về phía cha, vợ con cùng họ hàng ngồi bên dưới nói lời xin lỗi: “Con biết sai rồi, cha ơi. Giờ con có nói và làm gì đi nữa cũng không thể xóa hết tội lỗi do mình gây ra... Con xin lỗi!”. Hàng trăm người dự khán ngồi chật kín hội trường ngày hôm ấy rộn lên tiếng thở dài. Lẫn trong đó là tiếng thút thít phát ra từ hàng ghế người thân của Thìn!.

Nhận định hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đau thương tới nhiều người, HĐXX TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã tuyên phạt Phan Văn Thìn 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người”. Ngoài ra, bị cáo Thìn còn phải chấp hành thêm bản án một năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” được tuyên trước đó. Tổng hình phạt là 8 năm tù.

Thìn cố dừng đôi chân vướng còng trong giây lát, nhìn người cha già tóc đã bạc, nhìn vợ và 2 đứa con thơ trước khi theo chân lực lượng dẫn giải ra xe. 8 năm xa cách là cái giá mà Thìn phải trả cho hành động của mình. Với ai khác, đó là sự trả giá đích đáng nhưng có lẽ với Thìn bản án lương tâm theo sát cả cuộc đời với lỗi lầm không thể tha thứ của hắn mới là điều đáng sợ.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/nghen-ngao-noi-dau-con-giet-me-26532.html