Nghẹn ngào nhận lại 'kỷ vật đi B'

Cầm trên tay những kỷ vật của cha, bà Nguyễn Thị Hoa không cầm được nước mắt. Đến bây giờ, bà Hoa mới biết cha của mình hy sinh ở chiến trường B.

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2018), nhiều tài liệu, hình ảnh, kỷ vật của những cán bộ đi B được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ trao lại cho cán bộ đi B và thân nhân.

Cuối năm 1959, hàng trăm đoàn cán bộ tình nguyện bí mật vượt Trường Sơn vào Nam (gọi là đi B ).

Lúc đi, họ để lại thư từ, tư trang, hành lý, kỷ vật tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ.

Những vật dụng quý giá gắn liền với nhiều thông tin cá nhân, quá trình phấn đấu của các cán bộ đi B.

Cầm trên tay những kỷ vật của cha mình để lại, bà Nguyễn Thị Hoa (66 tuổi, ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) không cầm được nước mắt.

Các kỷ vật của cán bộ đi B được triển lãm tại Thành Cổ Quảng Trị.

Bố bà Hoa thoát ly gia đình theo cách mạng từ lúc bà còn nhỏ. Mấy mẹ con không biết bố làm gì, ở đâu.

Sau 3 năm kể từ ngày bố đi, gia đình nhận được tin bố mất, nhưng cũng không rõ mất trong hoàn cảnh nào. Đến giờ, nhận lại kỷ vật này, bà Nguyễn Thị Hoa mới biết bố hy sinh ở chiến trường B.

Chân dung một số cán bộ trước khi đi B. (ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)

“Bố hoạt động được 3 năm thì hy sinh, khi đó tôi mới 13 tuổi. Gia đình ở được 3 năm với bố thì 3 mẹ con đi sơ tán. Giờ nhận được kỷ vật của bố, tôi rất xúc động, không khi nào tôi quên được bố”- bà Hoa xúc động chia sẻ.

Sau năm 1954, hàng vạn người con ưu tú của cả 2 miền Nam và Bắc gửi đơn tình nguyện lên đường đi B. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh mà người thân không có thông tin gì.

Cầm trên tay tài liệu cùng kỷ vật người em của mình, bà Đặng Thị Điều, (87 tuổi, ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng) nghẹn ngào nói không nên lời.

Một số kỷ vật, tài liệu của cán bộ đi B. (ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)

Trong chiến tranh, gia đình bà Điều chịu cảnh ly tán, chị ở miền Bắc, em ở miền Nam. Em bà là ông Nguyễn Công Chính được điều đi B làm nhiệm vụ bí mật. Lúc đó, hai chị em chưa một lần gặp lại nhau.

Về sau, gia đình nhận được tin em trai hy sinh. Bây giờ, khi nhận được tài liệu, biết rõ em mình hy sinh ở chiến trường B, bà Điều không khỏi bùi ngùi, tiếc thương.

“Em đi B rồi mất, cũng không biết em mất ở đâu. Hôm nay, họ mời lên nhận kỷ vật cũng biết được tin tức của em, chiến đấu như thế nào, ở đâu, hy sinh trong hoàn cảnh nào”- bà Điều nói.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang lưu giữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, trong đó 56.000 hồ sơ đã xác định được địa chỉ.

Các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B sẽ là cơ sở để giải quyết chế độ chính sách cho người có công với Cách mạng.

Triển lãm những tài liệu, kỷ vật của cán bộ đi B tại Thành Cổ Quảng Trị.

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ đi B và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Ông Đặng Thanh Tùng cho biết thêm, đơn vị tổ chức bộ phận chuyên tiếp nhận và phục vụ mọi nhu cầu về thông tin hồ sơ của cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

“Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn, không chỉ lưu lại thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ đi B. Đây là nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu quý giá, minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán”- ông Đặng Thanh Tùng cho biết./.

CTV Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nghen-ngao-nhan-lai-ky-vat-di-b-791357.vov