Nghẹn ngào gia cảnh người phụ nữ chồng mất, con bị tự kỷ

Chồng nhiễm chất độc da cam, trở nên mất kiểm soát rồi qua đời vì tai nạn, chị Nguyệt cố nén đau thương, gồng mình nuôi hai con gái trong cảnh thiếu thốn.

Lập gia đình từ năm 2002, chị Bùi Thị Minh Nguyệt (40 tuổi, trú tại phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) từng sống những ngày tháng hạnh phúc bên người chồng là anh Bùi Thanh Quang (42 tuổi). Đến năm 2009, anh Quang bỗng nhiên có những triệu chứng bất thường, phải vào viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định anh bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, khiến thần kinh không ổn định.

Tìm đến nhà chị Nguyệt, chúng tôi được biết chồng chị mới mất được 100 ngày. Trong căn nhà nhỏ sập xệ với những mảng tường bong tróc loang lổ mà chị và hai con gái đang trú ngụ, không khí như bao trùm bởi nỗi u buồn và mùi nhang khói. Chị Nguyệt một tay đặt lại bức di ảnh của chồng cho ngay ngắn trên bàn thờ, bên tay trái dù đã tháo bột nhưng vẫn cứng đơ vì xương bị lệch trục mà chưa có tiền phẫu thuật. Điều này khiến chị chưa thể làm bất cứ việc gì để mưu sinh.

Căn nhà sập xệ nơi chị Nguyệt và hai con gái trú ngụ, không khí bao trùm bởi nỗi u buồn và mùi nhang khói.

Tâm sự với phóng viên Dân Việt về người chồng của mình, chị Nguyệt nghẹn ngào nhớ lại: “Anh ấy trước đây là một người chồng tốt, thương yêu vợ con, được các anh em trong gia đình yêu quí. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng hai vợ chồng luôn cố gắng làm lụng, nương tựa vào nhau. Hàng ngày anh ấy chạy xe ôm còn tôi làm tóc, gội đầu cho người ta, cũng được đồng ra đồng vào, đủ nuôi ăn cả nhà”.

Ngày nghe bác sĩ chẩn đoán chồng nhiễm chất độc da cam, chị Nguyệt bàng hoàng đến đờ người. Được biết bố chồng chị đã bị nhiễm chất độc màu da cam từ thời kháng chiến chống Mỹ và không may những triệu chứng quái ác đã di truyền sang người chồng của chị. Từ ngày đó, cả hai vợ chồng đều suy sụp, cuộc sống trong gia đình cũng bắt đầu trở nên đảo lộn.

Bàn thờ nơi đặt di ảnh người chồng quá cố của chị Nguyệt.

“Thời gian đầu anh ấy hay bị lên cơn co giật, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng. Nhiều khi bị ngay giữa đường, người ta nhìn thấy còn phải giúp đưa đi bệnh viện. Lắm lúc lo cho anh quá tôi bắt anh ở nhà, không chạy xe nữa nhưng anh vẫn cố đi bằng được vì lo vợ và hai con không đủ ăn. Thương anh nên kiếm được bao nhiêu tiền là tôi lại lo hết thuốc thang, chạy chữa cho anh”, chị Nguyệt kể lại.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi đến năm 2010, đứa con gái 3 tuổi của vợ chồng chị Nguyệt cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng không bình thường. Đưa con đi khám, chị Nguyệt mới biết con mình mắc bệnh tự kỷ và thần kinh không ổn định do chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Đến nay cháu đã 11 tuổi nhưng chỉ có thể ú ớ, không nói được bình thường như các bạn đồng trang lứa.

Năm 2010, đưa con gái thứ 2 đi khám, chị Nguyệt mới biết cháu bị tự kỷ, thần kinh không ổn định do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Cứ như vậy suốt gần 10 năm nay chị Nguyệt một thân một mình chạy đôn chạy đáo, vừa lo bệnh tình của chồng và con gái nhỏ, vừa lo miếng cơm manh áo cho cả nhà. Đến năm 2015, bệnh tình của chồng chị nặng hơn và bắt đầu có hiện tượng phát điên. Mỗi lần như vậy anh trở nên hung hăng, đập phá đồ đạc và thậm chí còn lấy kéo cắt ngón tay.

Lần gần đây nhất cũng là lần mà chị Nguyệt không bao giờ quên được, đó là vào một đêm, anh Quang đang ngủ thì đột nhiên ngồi bật dậy, lên cơn đập phá đồ đạc, đánh chị đến gãy tay trái rồi bỏ nhà đi biệt tăm. Vài ngày sau thì chị được họ hàng báo tin là đã tìm thấy xác chồng chị nằm chết dưới gầm cầu, có thể do trong lúc lên cơn đã sảy chân vấp ngã ở bờ sông.

Góc bếp tối tăm, tạm bợ tại nhà chị Nguyệt.

“Từ ngày nghe tin anh ấy như thế, đêm nào tôi cũng khóc, cứ nhớ lại những ngày gia đình còn yên ấm, hạnh phúc là lại khóc. Nhiều lúc nghĩ thấy mình bất hạnh quá mà tủi thân, không biết chia sẻ đau buồn, khó khăn cùng ai, chỉ muốn khóc nhưng vẫn phải cố nén lại. Bây giờ ngày nào tôi cũng tự nhủ cái số mình đã như vậy, phải cố quên đi mà nuôi hai con cho thật tốt”, chị Nguyệt thều thào.

Theo chị Nguyệt, gia đình chị đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận hộ nghèo từ năm 2010. Con gái lớn năm nay 14 tuổi có thành tích học tập tốt nên được nhà trường miễn giảm học phí. Tuy nhiên, vì chưa có tiền để mổ tay nên hiện giờ chị không có cách nào kiếm miếng cơm, manh áo cho các con trong khi số tiền ít ỏi mà chị tích cóp từ trước đến giờ cũng đã gần cạn kiệt.

“Từ ngày nghe tin anh ấy như thế, đêm nào tôi cũng khóc, cứ nhớ lại những ngày gia đình còn yên ấm, hạnh phúc là lại khóc”, chị Nguyệt chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thái – Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết: “Trường hợp của chị Nguyệt, do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên UBND phường Đại Kim đã cấp giấy chứng nhận hộ nghèo cho gia đình chị từ năm 2010. Đồng thời những năm qua chúng tôi vẫn luôn quan tâm, theo sát để hỗ trợ cho gia đình chị. Nay được báo chí quan tâm, giúp đỡ, chúng tôi rất mong trường hợp của chị Nguyệt sẽ sớm được nhiều bạn đọc và nhà hảo tâm biết đến để cùng chung tay giúp đỡ cho gia đình chị”.

Mọi sự giúp đỡ cho chị Bùi Thị Minh Nguyệt xin gửi về địa chỉ: Số 10 ngách 292/41 đường Kim Giang, tổ 23 phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay (Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ chị Bùi Thị Minh Nguyệt)

Đại Nghĩa

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/nghen-ngao-gia-canh-nguoi-phu-nu-chong-mat-con-bi-tu-ky-861697.html