Nghẹn lòng cuộc sống cô độc của người phụ nữ bị bại liệt suốt 20 năm

Từ sau vụ tai nạn tàu hỏa, đôi chân của chị Hồng bị bại liệt hoàn toàn. Suốt hơn 20 năm sau ngày bị nạn, người phụ nữ bất hạnh ấy phải tự mình lê lết chăm lo vệ sinh, ăn uống của bản thân. Cuộc sống cô độc, bệnh tật, không nhà cửa, không chồng con... khiến bất kỳ ai biết chuyện cũng không khỏi nghẹn lòng.

Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Hồng (SN 1975), thôn 5, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa bật khóc. Căn phòng tuềnh toàng vỏn vẹn chưa đầy 10m2 được người dân cho chị mượn ở. Có lẽ nó cũng không khá hơn một khu ổ chuột là bao.

Vào trong phòng, ai cũng cảm nhận được sự trống huơ, lạnh lẽo. Tài sản của chị Hồng có được không có gì ngoài chiếc xe lăn chị ngồi, cái giường chỏng, vài cái nồi, một cái bếp ga đã hoen gỉ mà người dân thương tình đem cho. Đó cũng chính là những thứ tài sản giá trị nhất mà người phụ nữ bất hạnh này có được suốt hàng chục năm qua.

Chị Hồng ngồi trước căn nhà của bố mẹ để lại cỏ mọc um tùm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Chị Hồng ngồi trước căn nhà của bố mẹ để lại cỏ mọc um tùm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Gượng mình ngồi cho thẳng hơn trên chiếc xe lăn cũ kỹ, chị Hồng kể: "Năm tôi 25 tuổi - độ tuổi nhiều ước mơ và hoài bão, song vì gia đình nghèo khó nên tôi ra Ninh Bình làm công nhân. Trong lúc đi bộ qua đường sắt, do không quan sát, tôi bị tàu hút vào và bị thương nặng và được người dân đưa đi Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Sau khi mổ và điều trị nhiều tháng trời, cuối cùng, tôi được cứu sống nhưng do đứt tủy nên vĩnh viễn mất khả năng đi lại.

Khi tỉnh dậy, được bác sỹ, gia đình thông báo là đôi chân của mình không thể di chuyển được, bầu trời trước mắt tôi như sụp đổ. Nhiều lần, tôi đã nghĩ đến cái chết để không làm bố mẹ khổ rồi tôi lại nghĩ ông trời đã cho mình mạng sống, bố mẹ đã sinh ra mình, nuôi dưỡng, giáo dục…, không thể vì bị bại liệt mà nhẫn tâm kết thúc cuộc đời của mình được".

Suốt 20 năm qua, cuộc sống của chị Hồng chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và trên chiếc giường cũ kỹ.

Từ khi bị bại liệt, mọi sinh hoạt đời thường chị đều phải có bố mẹ giúp đỡ. Song, bất hạnh chưa dừng ở đó. Không bao lâu, cả bố mẹ của chị cũng rời xa chị về với tổ tiên. Chị gái thì mất sớm, anh trai ở trong Nam cuộc sống cũng rất khó khăn, bỏ lại chị cô đơn nơi căn nhà xập xệ, cũ nát mà mấy năm sau, chị không dám ở vì sợ đổ sập.

Không nhà, không cửa nhưng may thay, thời điểm bấy giờ có người dân chuyển vào Nam sinh sống, họ cho chị mượn căn nhà nhỏ để ở. Giờ đây, căn nhà đã cũ và xuống cấp nghiêm trọng, chị cũng không biết còn có thể bám trụ được bao lâu. "Bố mẹ mất mọi việc trở nên khó khăn hơn với tôi gấp vạn lần. May thay, còn có chiếc xe lăn bầu bạn, đỡ đần khi di chuyển, vệ sinh, nấu ăn" – chị Hồng thở dài.

Đến nay, chị Hồng đã bước sang tuổi 45 và phải sống chung với bại liệt suốt hơn 20 năm qua. Vì không thể di chuyển, vận động được nên mỗi ngày sức khỏe của chị lại thêm giảm sút. Thậm chí, chị còn mắc thêm nhiều loại bệnh tật khác. Những vết lở loét do bệnh viêm rò vùng cụt khiến chị quanh năm phải nằm sấp. Không chỉ vậy, căn bệnh sỏi thận nhiều năm qua cũng hành hạ thân xác tàn tạ của chị.

Chiếc xe lăn được hàng xóm chế thêm ghế là người bạn gắn bó với chị suốt 20 năm qua.

Những lúc "trái gió, trở trời", chị lên cơn đau phải nhập viện, người thân không có nên cứ phải thuê xe chở lên viện. Những người đi chăm bệnh nhân ở viện thương tình nên cũng giúp đỡ. Có lần thì có bà hàng xóm đi cùng lên chăm.

"Đợt vừa rồi đi viện điều trị, toàn bộ số tiền tôi dành dụm được từ sự hỗ trợ của Nhà nước và vay mượn thêm đều hết sạch. Mấy ngày nay không còn một xu nào, giờ nó có đau hay như thế nào thì cũng chờ chết thôi".

Nói đến đây, chị Hồng quay mặt đi, nhoài người với chiếc xe lăn rồi rút từ túi áo chiếc khăn mùi xoa nhàu cũ lau những giọt nước mắt không ngừng rơi.

Trao đổi với PV, chị Lê Thị Thêm, cán bộ chính sách xã Hoằng Châu cho biết thêm: "Chị Hồng bị liệt suốt 20 năm qua, bố mẹ, chị gái mất cũng đã lâu. Chị còn người anh trai nhưng cuộc sống cũng khó khăn lại ở xa nên cũng chẳng giúp đỡ được gì nhiều.

Chị được hưởng trợ cấp xã hội mức đặc biệt nặng, thuộc hộ cận nghèo. Hiện tại tình cảnh của chị Hồng rất khó khăn, ngoài khoản trợ cấp của Nhà nước rất cần những tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ".

Mọi sự giúp đỡ chị Lê Thị Hồng - Mã số 526 xin gửi về:

1. Chị Lê Thị Hồng (SN 1975), thôn 5, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 526

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 526

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 526

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/nghen-long-cuoc-song-co-doc-cua-nguoi-phu-nu-bi-bai-liet-suot-20-nam-20200103200955149.htm