Nghẹn đắng câu chuyện về số phận nữ sinh 17 tuổi học lớp 9 mang 2 dòng máu

Lúc mới trở về, em Nguyễn Thị Thân không nói được tiếng Việt. Đặc biệt, trước sự dị nghị của người dân trong thời gian đầu khiến Thân trở nên lạc lõng, còn những người trong gia đình lại quá xa lạ khiến em dần bị trầm cảm và phải tự gồng mình thích nghi.

Mẹ lầm lỡ, con bơ vơ

Thả cặp sách xuống khi vừa đi học về, em Nguyễn Thị Thân (SN 2001), trú xóm 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An lập tức chạy xuống bếp phụ giúp bà ngoại nhặt rau, nấu cơm. Mang thân hình của thiếu nữ sắp trưởng thành, tuy nhiên Thân vẫn mặc áo đồng phục trường THCS và đeo khăn quàng đỏ khiến những vị khách lạ vô cùng ngạc nhiên.

Em Thân giúp bà ngoại nấu ăn.

Em Thân giúp bà ngoại nấu ăn.

Nhận ra ánh mắt thắc mắc này, bà Đậu Thị Diệu (SN 1941, bà ngoại em Thân) mỉm cười giải thích: “Đúng ra cháu hiện nay học lớp 12, nhưng do tới trường muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa nên giờ vẫn đang ở lớp 9. Sang năm là thi chuyển cấp rồi nên giờ bài vở nặng lắm, ăn trưa xong buổi chiều Thân còn phải đi học thêm nữa”. Khi được hỏi về bố mẹ của em thì bà Diệu thay đổi nét mặt, lắc đầu thở dài…

Bà Diệu có 4 người con, nhưng chỉ có một người con gái duy nhất là chị Nguyễn Thị Toàn (SN 1971). Cuộc sống khó khăn, cùng với việc bị bệnh thận từ lúc nhỏ, sức khỏe yếu nên chị Toàn bỏ học từ sớm. Ở nhà loanh quanh phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, cho đến khi trưởng thành thì chị được bạn bè rủ ra Hà Nội để kiếm việc làm.

“Khi Toàn xin đi làm, vợ chồng tôi nhất quyết phản đối. Cuộc sống bên ngoài phức tạp, trong khi con gái tôi không được thông minh như người khác. Ở nhà tuy khổ nhưng có bố có mẹ, cứ làm ruộng cũng không chết đói. Thế mà cuối cùng Toàn chẳng nghe lời, vào một buổi tối khi vợ chồng tôi ngủ, con đã ôm đồ đi mất”, bà Diệu nhớ lại.

Thời điểm này vợ chồng bà Diệu đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không có tung tích, thậm chí báo chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ cũng không có kết quả. Không có điện thoại liên lạc, không biết con đi với ai, hai vợ chồng ông bà chỉ biết ở nhà chờ đợi trong sự vô vọng. Trong những năm tháng đó, một lần bà Diệu nghe được thông tin có người đi làm ăn xa về thấy con gái bà đang ở Trung Quốc. Sau đó, bà đã bỏ đồng áng đạp xe tới nhà hỏi thăm, nhưng do thông tin không rõ nên không dám chắc chắn.

Cho đến năm 2008, chị Nguyễn Thị Toàn bất ngờ được một cặp vợ chồng quê huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đưa về. Không những vậy, mọi người còn ngỡ ngàng hơn khi chị có một người con gái đã 7 tuổi. Thời điểm này, tâm trí của chị Toàn đã không còn tỉnh táo, hỏi gì cũng không biết.

“Vợ chồng tôi đau xót và tự trách mình nhiều lắm. Nếu hồi xưa chúng tôi kiên quyết hơn thì không xảy ra chuyện này. Lúc đi thì xinh đẹp như thế, vậy mà khi về Toàn ngây ngây dại dại. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng chắc chắn con gái tôi phải chịu sự chấn động tâm lý mạnh lắm mới ra nông nỗi này”, bà Diệu cho hay.

Qua trò chuyện với cặp vợ chồng đưa chị Toàn về, bà Diệu mới hay con mình bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông đã lớn tuổi ở vùng quê hẻo lánh. Cuộc sống khổ cực lại thường xuyên bị đánh đập do không sinh được con trai đã khiến chị Toàn bị suy kiệt, sức khỏe yếu hẳn đi dẫn đến việc tâm trí bị ảnh hưởng. Cặp vợ chồng này vốn làm ăn ở Trung Quốc, biết chuyện đến hỏi thăm thì lúc này chị Toàn đã phát bệnh thần kinh. Sau đó, họ đề nghị được đưa 2 mẹ con về Việt Nam, không ngờ rằng gia đình chồng lập tức đồng ý.

“Cho đến nay đã tròn 10 năm nhưng chúng tôi không thấy chồng hay người nào liên lạc để hỏi thăm về mẹ con Toàn. Không ngờ rằng số phận con gái tôi khổ như vậy, Toàn thì không còn biết gì nữa, cháu Thân khi mới về còn quá nhỏ lại không nói được tiếng Việt Nam. Điều may mắn là cả 2 trở về quê bình an, cũng nhờ cặp vợ chồng tốt bụng”, bà Diệu thở dài.

10 năm gồng mình thích nghi

Theo mẹ về quê ngoại sống nhưng không nói được tiếng Việt, cô bé Nguyễn Thị Thân mang hai dòng máu Việt - Trung trở nên lạc lõng. Ông Nguyễn Duy Viên (SN 1936, ông ngoại Thân) cho biết, phải mất hơn 1 năm chuyện trò thì cháu này mới tập nói bập bẹ tiếng địa phương. Mặc dù đã gần 10 tuổi, nhưng việc không có tình thương của bố mẹ, cuộc sống xa lạ ở quê nhà cùng với những lời nói bàn tán của người dân đã khiến Thân chịu tổn thương, sống khép mình và chỉ loanh quanh ở nhà với ông bà ngoại.

“Thương cho cháu rơi vào hoàn cảnh khốn khổ này, vợ chồng tôi chăm sóc Thân hết mực và cố gắng tập cho cháu hòa đồng với mọi người. Lúc đầu cháu rất sợ người lạ, thấy ai cũng trốn, nhất quyết không ra ngoài. Chúng tôi nghĩ thôi thì mới đầu còn lạ lẫm nên chờ thêm một thời gian nữa, không ngờ rằng sau đó cháu cũng như vậy. Chắc là do chấn thương tâm lý nặng nề”, ông Viên thở dài.

Để giúp cháu sớm thích nghi cuộc sống, ông Viên đã tới trường xin cho Thân vào học lớp 1. Tuy nhiên, việc nói tiếng chưa rõ nên Thân không theo kịp với các bạn, không những vậy bạn bè còn thường xuyên trêu chọc việc Thân mang dòng máu Trung Quốc. Đó là quãng thời gian vô cùng đau khổ của gia đình vợ chồng ông Viên và người cháu nhỏ. Thậm chí giờ đây đã 10 năm trôi qua, cô bé ngày nào đã trở thành thiếu nữ nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.

Cố gắng bắt chuyện với nữ sinh này, Thân ngại ngùng cho biết em không còn nhớ gì về hình ảnh người bố của mình nữa. “Nhiều lúc thấy các bạn đi học về được bố, mẹ đưa đón, em cũng rất tủi. Nhiều lúc nhớ bố, em cũng hỏi mẹ để mường tượng bố là người như thế nào nhưng mẹ chỉ lắc đầu không nhớ gì”, Thân nói.

Thời gian trôi qua, nỗi đau cũng bớt nhức nhối hơn lúc đầu, Thân cũng đã hòa nhập được một phần cuộc sống quê nhà. Đặc biệt là sự quan tâm và động viên rất lớn của thầy cô và người thân đang tiếp thêm niềm tin cho nữ sinh này. “Nghe nhiều cũng quen, em giờ không nghĩ ngợi nhiều nữa. Mong ước của em là học xong lớp 12 rồi đi kiếm tiền nuôi mẹ và ông bà ngoại”, Thân cho hay.

Chắc chắn rằng cô nữ sinh lớp 9 sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Điều quan trọng là tình yêu của em dành cho gia đình vô cùng mạnh mẽ, điều đó sẽ giúp em vượt qua tất cả chông gai để tiếp tục hướng về tương lai.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Bí thư chi bộ xóm 14 cho biết, hoàn cảnh hai mẹ con chị Toàn rất éo le sau khi từ Trung Quốc trở về. “Gần đây chị Toàn phát bệnh nặng nên không làm được gì mà sống dựa vào bố mẹ già. Sau khi mẹ con chị Toàn về quê, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cho mẹ con chị một căn nhà cấp 4 nhỏ sinh sống. Chúng tôi cũng thay nhau vào thăm hỏi và giúp đỡ khi gia đình cần”, ông Ninh cho hay.

Đây không phải là trường hợp duy nhất

Ông Hồ Minh Mậu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trước đây, rất nhiều người phụ nữ trên địa bàn đi sang Trung Quốc. Cũng do cuộc sống khó khăn nên một phần họ đi làm ăn, phần khác là mong muốn đổi đời, một số người do bị lừa. Mẹ con chị Toàn may mắn trở về, còn những người khác hiện nay chưa rõ tung tích, chỉ biết đi Trung Quốc chứ không rõ ở đâu”.

Người Đưa Tin

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/gia-dinh/nghen-dang-cau-chuyen-ve-so-phan-nu-sinh-17-tuoi-hoc-lop-9-mang-2-dong-mau-18126.html