Nghề ươm tơ, dệt lụa làng Cổ Chất nổi danh ở đất thành Nam

Làng Cổ Chất (Trực Ninh, Nam Định) nổi tiếng khắp vùng miền gần xa với nghề ươm tằm, dệt tơ. Những sợi tơ vàng, tơ trắng óng ả đã dệt nên những tà áo duyên dáng Việt Nam.

 Kỹ thuật ươm tơ thủ công của người thợ ở làng Cổ Chất hiếm vùng nào có được. Kén tằm phải được chọn lựa và phân loại kỹ lưỡng trước khi đưa vào máy kéo tơ. Kén có hai loại: Kén trắng và kén vàng, phụ thuộc vào giống tằm. Kén màu nào sẽ cho ra tơ màu ấy. Phổ biến nhất là kén trắng bởi sẽ cho ra loại tơ chất lượng, giá trị cao. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Kỹ thuật ươm tơ thủ công của người thợ ở làng Cổ Chất hiếm vùng nào có được. Kén tằm phải được chọn lựa và phân loại kỹ lưỡng trước khi đưa vào máy kéo tơ. Kén có hai loại: Kén trắng và kén vàng, phụ thuộc vào giống tằm. Kén màu nào sẽ cho ra tơ màu ấy. Phổ biến nhất là kén trắng bởi sẽ cho ra loại tơ chất lượng, giá trị cao. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong nồi nước sôi bốc hơi nghi ngút, kén tằm thi nhau nhảy, những sợi tơ từ từ len lỏi vào lỗ nhỏ và cuốn vào guồng quay tít. Các bà, các chị thoăn thoắt khỏa nước, cho kén thêm vào nồi để sợi tơ không bị đứt đoạn. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Công đoạn này thường do phụ nữ thực hiện. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Phần lớn những người già tại làng còn gắn bó với nghề vẫn làm theo phương pháp thủ công như một thói quen, tình yêu nghề hoặc vì mưu sinh. Dù vì lý do nào thì họ vẫn đang từng ngày truyền đam mê, bản sắc văn hóa của làng quê cho thế hệ sau. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Yến trăn trở: 'Trước đây cứ 10 nhà thì có đến 9 nhà làm nghề ươm tơ. Còn giờ cả làng chỉ còn 5-6 nhà còn giữ nghề. Nhưng chắc hết lớp tuổi như cô thì không ai theo nghề nữa. Lớp trẻ đều đi làm công việc khác.' (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Tơ sau khi phơi khô sẽ được các xưởng dệt mua về, se sợi và dệt thành vải. Phần lớn tơ làng Cổ Chất được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Lào và trong nước thì có làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Người kéo tơ phải khuấy kén đều tay, nếu không sợi tơ sẽ dầy quá hoặc mỏng quá. Nếu làm việc hết công suất, một ngày một người thợ có thể kéo được 20 cuộn tơ. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Kéo tơ xong, người thợ phải nhặt sạch tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều. Cuộn tơ phải trắng, sạch thì mới đem đi phơi khô. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Theo ông Phạm Văn Đồng, người đã 30 năm gắn bó với nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất: 'Cái khó của nghề này là tìm đầu ra. Tơ chủ yếu được ưa chuộng ở nước ngoài hơn là trong nước. Trong khi đó, người dân gặp nhiều khó khăn khi vay vốn, duy trì sản xuất nên bỏ nghề nhiều.' Trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, những người ươm tơ ở Cổ Chất cũng lao đao theo bởi tơ làm ra không thể xuất đi nước ngoài. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Dưới nắng, những cuộn tơ ánh lên sắc vàng, sắc bạc óng ả, mềm mại. Theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm, tơ phải phơi dưới nắng to thì mới sáng, đẹp, nếu trời âm u thì tơ sẽ xám xịt, không chất lượng. Ươm tơ ở làng Cổ Chất hoàn toàn thủ công, không sử dụng chất tẩy trắng như tơ công nghiệp nên có độ bền, sáng tự nhiên. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Những con nhộng bóng bẩy sau khi kéo hết tơ được bán cho các cơ sở chế biến đông trùng hạ thảo hoặc bán ra chợ làm món ăn. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/photo-nghe-uom-to-det-lua-lang-co-chat-noi-danh-o-dat-thanh-nam/709344.vnp