Nghề truyền thống ở Nam bộ xưa

Đặng Hoàng Thám

Thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam trên 300 năm trước, bên cạnh khai hoang và sản xuất nông nghiệp, còn có những nghề sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như vật dụng gia đình, công cụ sản xuất, phương tiện di chuyển... Sách “Gia Định thành thông chí” nói khá nhiều đến các ngành nghề, làng nghề của người Đàng Trong dưới sự quản lý của các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này. Nhiều ngành nghề, làng nghề vẫn còn tồn tại và phát triển đến ngày nay.

1. Nghề đan lát mây tre: Xuất hiện từ rất sớm trong cộng đồng làng xã Việt Nam, được truyền từ đời này sang đời khác.

Sản phẩm đan lát mây tre rất đa dạng và phong phú, có những vật dụng không thể thiếu được trong sinh hoạt và đời sống hằng ngày của lưu dân làm nông nghiệp, như: thúng, rổ, bội, nia, mẹt, gàu (tát nước), nò nôm (bắt cá), mây bồ (đựng, ví lúa), phên dậu (vách nhà trại)... Mỗi sản phẩm làm ra đều có một quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn để đảm bảo hữu dụng, bền lâu. Người xưa thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì tre non giòn và dễ gãy. Tre chỉ được chặt vào những ngày cuối tháng không có trăng, bởi vì cây tre đầu tháng chứa nhiều nước, khi sấy, mất nhiều thời gian và dễ bị mọt. Đặc biệt, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Người vót nan chẻ nan mỏng hay dày tùy thuộc vào sản phẩm, phải chuốt sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan, các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Nan chuốt xong đem treo lên giàn bếp xông khói trong một thời gian nhất định mới đan được, mục đích nhằm chống mối mọt và tăng độ dẻo, đàn hồi cho vật dụng.

Trải qua bao thăng trầm, ngày nay nghề đan lát mây tre vẫn còn tồn tại với quy mô hộ gia đình ở các vùng nông thôn.

Lão nghệ nhân Tám Lăng - người giữ nghề dệt cuối cùng của làng lụa Tân Châu (An Giang). Ảnh: DUY KHÔI

Lão nghệ nhân Tám Lăng - người giữ nghề dệt cuối cùng của làng lụa Tân Châu (An Giang). Ảnh: DUY KHÔI

2. Nghề rèn: Không thể khai phá, sản xuất nông nghiệp, thao tác kỹ thuật, chiến đấu, săn bắt... và làm những công việc hằng ngày nếu không có dao, rựa, phảng, lưỡi cày, đao, kiếm... Tất cả những thứ thiết yếu ấy đều do nghề rèn cung ứng.

Nét độc đáo cũng như sự bí truyền của nghề rèn là kỹ thuật tôi thép và kỹ thuật làm lưỡi. Khâu làm lưỡi phải sao cho cả ngàn sản phẩm đều như nhau. Lưỡi dao, vật dụng nung ra mỏng như giấy, không hề cong vênh. Còn để có sản phẩm tốt và bền, phải xuất phát từ khâu tôi thép. Thép được tôi đúng cách sẽ tốt, rắn, bền, sắc bén. Kinh nghiệm tôi thép không có trong sách vở, mà được lưu truyền và bồi đắp bởi các bậc tiền bối trong nghề. Thời gian tôi thép chỉ được tính bằng giây. Có những loại thép phải tôi qua nước, qua gió, qua dầu hoặc bằng thân cây chuối. Tôi thép bằng gió để thép tốt là khi thép chuyển sang màu bóng và xanh biếc.

3. Nghề mộc: Có từ lâu đời ở nước ta và rất phát triển cho đến ngày nay. Rừng phương Nam thời ấy có nhiều gỗ quý như trắc, cẩm lai, gõ… dùng đóng, chế tác những vật dụng quan trọng trong nhà: tủ thờ, giường, phản, bàn ghế, hoành phi, biển đối... Các loại cây gỗ tốt khác dùng làm cột nhà, ghe, thuyền, như: sao, bằng lăng, kiền kiền, căm xe, trâm, bình linh… có ở khắp nơi. Những thợ giỏi thường gốc miền Trung và Bắc, di cư vào Nam vừa hành nghề vừa truyền nghề, lập ra nhiều phường thợ nổi tiếng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Tại các cuộc đấu xảo quốc tế ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn thời Pháp thuộc, đã có nhiều sản phẩm mộc cao cấp của Nam bộ được vinh danh.

Nghề mộc xưa nay quan trọng nhất là sự khéo tay, tinh tế, sáng tạo, tính thẩm mỹ cao. Một số làng nghề mộc ở Nam bộ có thế mạnh là dựng những ngôi nhà bề thế, hoành tráng với kiến trúc, bố cục rất hài hòa, trang trí tỉ mỉ, tinh tế. Ở nhiều địa phương của Nam bộ hiện vẫn còn những ngôi nhà cổ nổi tiếng như nhà Trăm Cột ở Cần Đước (Long An), nhà cổ Hương Liêm ở Thạnh Phú (Bến Tre), nhà cổ Vườn Lan, đình Bình Thủy (Cần Thơ), đình Mỹ Phước (Sa Đéc), đình Châu Phú (An Giang), làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè - Tiền Giang)... Những kiến trúc trên độc đáo ở chỗ không dùng đinh sắt, chỉ dùng niêm cây, ghép mộng gỗ nhưng rất chắc chắn, vững chãi, tinh xảo và thẩm mỹ.

4. Nghề đóng ghe xuồng: Thời khẩn hoang, ở một số địa phương Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL do địa hình có rất nhiều sông rạch nên phương tiện giao thông chủ yếu là đường thủy. Các xóm làng mới thường lập ở ngã tư, ngã ba sông hay ven những kinh rạch. Do đó, hầu như mỗi nhà đều có ghe, xuồng để đi lại, giao thương…

Thợ mộc ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt- Cần Thơ) đang xẻ gỗ. Ảnh: DUY KHÔI

Nhu cầu cao, gỗ trên rừng nhiều, dễ khai thác, nên nghề đóng ghe xuồng thời ấy cực thịnh. Ghe thuyền ở Nam bộ thường được đóng bằng gỗ sao núi rất bền, có thể dùng trên 60 năm. Kiểu dáng mình tròn, mũi nhọn, buồng lái cao nhô lên, buồm hình tam giác. Mắt ghe thuyền to, vẽ hai tròng đen trắng trên nền đỏ, với ý nghĩa làm cho các loài thủy quái không dám xâm phạm. Trình độ đóng ghe thuyền ngày càng nâng cao. Đã có những công xưởng đóng, sửa chữa với quy mô lớn, có tiếng tăm ở Nhà Bè, Cần Đước, xóm Thủy Trại Thủ Thiêm cùng với công xưởng đóng tàu thuyền của nhà nước ở Long Hồ (trấn Vĩnh Thanh)…

5. Nghề dệt vải, lụa: Nghề dệt lụa, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông vải được các lưu dân đem đến phương Nam, phát triển và hình thành nên những làng nghề nổi tiếng như lụa Tân Châu (An Giang), trồng dâu Tân Chánh (Biên Hòa), sông Sầm (Định Tường). Ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) cũng có những trung tâm hoạt động nhộn nhịp của nghề dệt như Xóm Lãnh, Xóm Lụa, Chợ Vải, Chợ Đũi... Xưa kia, người Nam bộ sử dụng những khung dệt vải lụa bằng gỗ và dệt bằng tay. Đôi tay khéo léo, tài hoa của những người thợ dệt ở đây đã cho ra thị trường những sản phẩm đẹp, thanh nhã. Từ tơ lụa, họ làm ra những mặt hàng rất được ưa chuộng như lụa, lãnh, nhiễu, trừu, gấm, vóc, sô, sa, đoạn. Để nâng cao chất lượng, những người thợ làng nghề còn tìm những chất liệu nhuộm màu từ thiên nhiên cây cỏ như: lá bàng, lá chàm, võ dà, cây vang. Đặc biệt người ta sử dụng trái “mặc nưa” để nhuộm lụa và lãnh đen…

Thợ nhuộm lãnh mỹ a bằng trái mặc nưa. Ảnh: DUY KHÔI

***

Vùng đất mới phương Nam còn có rất nhiều ngành nghề truyền thống được lưu dân mang từ cố quán đến đây: nghề gốm, đúc đồng, thợ bạc, sơn mài, thêu, dệt chiếu, chạm khắc gỗ, đúc tượng… Ngày nay một số ngành nghề truyền thống thủ công đã được cơ giới hóa và cũng có một số làng nghề thủ công bị mai một. Giữ gìn bản sắc văn hóa của các làng nghề truyền thống nhưng đồng thời phải tăng sức cạnh tranh, đổi mới công nghệ, thích nghi để tồn tại… là những vấn đề đang được các làng nghề truyền thống quan tâm.

--------------------

Tư liệu tham khảo:

- Lịch sử khai phá vùng Nam bộ, NXB Tổng hợp Hồ Chí Minh, 2016.

- Lịch sử khai khẩn đất phương Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ, 2002.

- Nam bộ xưa và nay, Nhiều tác giả, NXB TP. Hồ Chí Minh - Tạp chí Xưa và Nay 2003.

- Sổ tay Văn hóa Việt Nam, Đặng Đức Siêu, NXB Lao Động, 2005.

- Đại Nam thực lục, Quốc Sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo Dục tái bản, 2004.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nghe-truye-n-tho-ng-o-nam-bo-xua-a115504.html