Nghề trồng, thú chơi

1. Cậu bạn từ hồi học tiểu học tên Chu Mạnh Hùng ở cụm 4, Nhật Tân, là người có tiếng trong nghề trồng đào Nhật Tân, dù tuổi đời của anh chỉ 43.

Nhắc đến anh, nhiều người nghĩ đến câu chuyện về người “dám” bỏ 14 năm dạy học tại Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội về trồng đào, với mong muốn chuyên tâm nghề truyền thống của gia đình, làng nghề. Hùng kể: Nghề trồng đào thật lắm công phu. Chăm sóc cả năm nhưng có thể mất trắng chỉ trong vài ngày nếu thời tiết khắc nghiệt, ngoài dự báo của người trồng.

Trong khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo thời tiết vài ngày sau còn chưa chắc chính xác, người trồng đào phải tự “dự báo” thời tiết theo kinh nghiệm của mình trước tết khoảng 2 tháng. Lý do, để tính toán chăm sóc, tuốt lá sao cho hoa đào nở đúng dịp tết. Vì thế, nhiều người gọi nghề trồng đào giống như “đánh bạc với ông trời”.

Chia sẻ chuyện nghề, Hùng cho biết công việc rải rác quanh năm, bắt đầu khi “hết mùng của tết”, từ đổ đất, kỹ thuật ghép mắt, chăm bón… cho đến khi thu hoạch đúng vào dịp giáp tết. Vườn đào của anh có diện tích khoảng 1ha, số lượng cây khoảng 1.000 gốc. Dẫn đi thăm vườn, Hùng tự hào kể về những gốc đào bích cổ thụ có đường kính đến 30-40cm, tuổi đời 15-20 năm.

Giá trị của chúng không tính được vì những gốc đào này không bán, chỉ cho khách thuê, sau tết lấy về. Chỉ ra khoảng vườn, Hùng nói chi phí để đầu tư cho vườn đào năm 2018-2019 gần 4 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm hơn 1 tỷ đồng chi phí đổ đất trồng cây, hệ thống tưới tiêu… cùng gần 2,5 tỷ đồng đầu tư cho diện tích “mặt tiền” con đường lớn để dễ mua bán, vận chuyển. Số còn lại là tiền nhân công và chi phí khác trong năm.

Hùng có 2 thợ giúp việc quanh năm chăm sóc đào, trả lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng (gồm cả ăn). Vào mùa bận rộn nhất là 2 tháng trước tết (mùa tuốt lá, đôn đào…) cần thêm 4-5 thợ nữa với giá nhân công tương tự. Vào dịp tết, tiền thưởng cho nhân công dao động 6-14 triệu đồng tùy vào chất lượng công việc, thâm niên.

Riêng với người gắn bó với vườn đào từ 4 năm trở đi còn được thưởng thêm 20 triệu đồng. Dù vậy, việc thuê nhân công thời vụ dịp trước tết luôn gặp trục trặc. Như tết năm 2019 anh phải mua bia về “nịnh” người làm để ngày 26 tháng Chạp họ không bỏ ngang về quê, dù công nhật trả 500.000 đồng/ngày.

Mỗi năm vườn đào của Hùng chỉ bán được 50-60% tổng số cây là thành công. Tết Kỷ Hợi 2019 giá đào dao động 6-7 triệu đến khoảng 35-40 triệu đồng/cây. Khách của anh hầu hết là cơ quan, công sở, siêu thị… thậm chí cả quan chức.

“Nghề này vất vả quanh năm. Khi người ta đi chơi mình làm quần quật. Trước tết bán đào, vận chuyển cho khách. Sau tết thuê xe đi lấy gốc về. Chi phí cũng lớn lắm. Trước tết, chi phí khoảng 100 triệu đồng thuê xe, sau tết còn 70-80 triệu đồng” - Hùng kể khi được hỏi và tiết lộ thêm: “Doanh thu năm 2018 hơn 2 tỷ đồng”.

Nhật Tân có nhiều loại đào, nhưng nói đến đào thất thốn chỉ có người sành chơi mới hiểu, mới chơi được. Hoa đào thất thốn thường có mấy chục cánh to như chén uống trà, đỏ thắm và nhìn như nở từ thân cây. Loại đào này yêu cầu người chăm sóc phải rất cầu kỳ nhưng bù lại giá cả cũng không dành cho người… ít tiền. Cây đẹp có giá vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Lê Hàm, người khá nổi tiếng ở Nhật Tân về trồng đào thất thốn, cho biết trồng đào thế, đào cành đã vất vả nhưng so với trồng đào thất thốn chưa ăn thua gì. Trải qua 12 năm trong nghề trồng đào thất thốn có đến gần 10 năm anh không thành công, mỗi cây chỉ nở vài bông.

Dịp tết Canh Tý này, các cây trong vườn đào thất thốn của Hàm có cả trăm nụ hoa và nở rải rác vào dịp trước, trong và sau tết. Khó trồng, khó chăm sóc là lý do người Nhật Tân vốn nổi tiếng trồng đào nhưng không phải ai cũng dám trồng đào thất thốn. Bởi bên cạnh thời gian, công sức, thời tiết, kinh nghiệm chăm sóc không chuẩn sẽ phải trả giá bằng việc thất thu vào đúng dịp tết.

2. Dù thu nhập từ trồng đào chỉ có vào dịp cuối năm nhưng họ vẫn gắn bó, bởi lẽ họ có thể sống được với nghề của mình. Theo thống kê, diện tích đất nông nghiệp ở Nhật Tân khoảng 69ha, với 400 hộ trồng đào. Doanh thu ước tính năm 2018 là 38 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán đào hơn 30 tỷ đồng.

Trong danh sách khách hàng của của Mạnh Hùng hay Lê Hàm, có rất nhiều vị khách mà nói đến tên, nhiều người có thể biết. Họ là quan chức, doanh nhân… nhưng đều có điểm chung là có sự cầu kỳ trong chơi đào. Họ đến tận nơi, nhìn tận mắt, có khi mất cả buổi mới chọn được cây ưng ý.

Người chơi đào bây giờ cầu kỳ hơn. Vì thế, nhiều năm nay người Nhật Tân đã chuyển từ trồng đào “ăn xổi” là đào hạt sang đào bích. Đặc điểm của đào hạt là nụ nhiều nhưng cánh mỏng, màu sắc không thắm, có khi chỉ nở đợt hoa đầu đẹp, đợt hoa sau nhạt dần, thậm chí như bị héo. Còn đào bích, kể cả loại đào cành hay đào cây đều mang đến hoa to, đỏ thắm và bền màu hơn.

Về cách chọn lựa đào, Mạnh Hùng cho biết với người chơi đào thế (đào chơi cả gốc và tạo dáng) gốc là quan trọng nhất sau mới đến hoa. “Chơi đào thế mà gốc non, hoa nở cả cây chỉ dành cho dân “a ma tơ”. Còn dân sành chơi là phải chọn gốc đào cổ hoa mới thắm, cây không cần quá nhiều hoa” - Hùng nói.

Riêng về người chơi đào thất thốn, Lê Hàm cho biết đối tượng này “khác hẳn” với người chơi các đào còn lại, chủ yếu là những người từ trung niên trở lên vì loại đào này kén khách, giá không rẻ. “Nghề chơi cũng lắm công phu hoàn toàn đúng với thú chơi đào thất thốn. Nhâm nhi chén trà, ngắm, bình luận cây đào đặt bên bàn uống nước là thú chơi cầu kỳ, không phải ai cũng thưởng thức như vậy được” - Lê Hàm kết luận.

Hà My

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/nghe-trong-thu-choi-76116.html