Nghệ thuật Xiếc kết hợp cải lương: Làn gió mới cần cổ vũ

Trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, sân khấu truyền thống cần tìm hướng đi mới để 'hút' khán giả. Và 'mối duyên' giữa cải lương và xiếc trong dự án 'Huyền sử Việt' có tạo nên 'phép thử' thành công vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ?

Thực trạng sân khấu truyền thống những năm gần đây rơi vào tình trạng “lép vế” trước sự bùng nổ của các gameshow giải trí truyền hình. Thị phần khán giả đến với rạp đa phần từ các tấm vé “khách mời”. Và cứ sau buổi công bố là sự vắng khách đìu hiu thường thấy.

Nhiều loại hình sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, xiếc,… dù đã tính toán đến việc đổi mới, đầu tư sân khấu hiện đại như sân khấu quay Nhà hát Kịch Hà Nội, song mức vé bán ra ít ỏi, thu nhập bấp bênh, các diễn viên nhiều nhà hát vẫn phải làm “nghề tay trái” để nuôi lại nghề.

Nhằm vực dậy sức sống của sân khấu truyền thống, Nhà hát Cải lương và Liên đoàn Xiếc Trung ương đã bắt tay hợp tác dự án “Huyền sử Việt” – tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam là Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh và Mẫu Liễu Hạnh.

Khởi đầu dự án là tác phẩm “Cây gậy thần” lấy nguyên mẫu từ tác phẩm Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tác phẩm đã có buổi công chiếu thử nghiệm và nhận được đánh giá cao từ hội đồng chuyên môn. Dự kiến, tháng 11 tới, vở diễn sẽ chính thức trình làng khán giả Hà Nội.

Hình ảnh diễn viên xiếc trong buổi lễ khởi công vở diễn “Cây gậy thần”. Ảnh tư liệu

Hình ảnh diễn viên xiếc trong buổi lễ khởi công vở diễn “Cây gậy thần”. Ảnh tư liệu

Qua trao đổi với NSND Tống Toàn Thắng (PGĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đặt kỳ vọng tác phẩm sẽ mang làn gió mới cho khán giả. Trước đây, các tiết mục xiếc có đan xen các loại hình nghệ thuật như chèo, quan họ, cải lương và lần đầu tiên kết hợp với cải lương trong toàn thời lượng chương trình vở diễn ca cải lương.

Lợi thế của ngành xiếc là có đối tượng khán giả, có địa điểm sân khấu và khi kết hợp với ca cải lương có yếu tố lời thoại, ngôn ngữ xiếc sẽ được đề cao. Đặc thù riêng của cải lương đi sâu vào khai thác nội tâm nhân vật, tiết tấu chậm rãi thì ngành xiếc lại thiên về giải trí, bùng nổ. Xiếc trong cải lương không chỉ là nội dung mang tính chất phụ trợ, xiếc song hành cùng cải lương mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật mới.

Những ngày bắt tay tạo dựng kịch bản, NSND Tống Toàn Thắng và NSND Triệu Trung Kiên (GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam) đã nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” của cố tác giả Hoàng Luyện. Tác phẩm cải lương “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” ban đầu có độ dài 2 giờ 30 phút được tác giả Lê Thế Song chắt lọc những lớp đắt giá trong kịch bản xuống còn 90 phút trình diễn trên sân khấu.

Vở diễn mang tên “Cây gậy thần” được xây dựng theo hình thức nhạc kịch xiếc có sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên xiếc và cải lương. NSƯT Thanh Thanh Hiền là ca sĩ đảm nhận toàn bộ ca khúc mới trong vở diễn. Cũng ngay buổi trình diễn thử nghiệm, trong màn Chử Đồng Tử ra biển để tầm sư học đạo, nếu là sân khấu cải lương truyền thống thường là hình ảnh ước lệ diễn viên với mái chèo trên sân khấu.

Nhưng khi biểu diễn trên sân khấu tròn diễn viên xiếc sẽ làm vai trò biến hóa thành con thuyền độc mộc thật bay lên trời, đàn phượng hoàng lượn quanh, kết hợp với ánh sáng, âm thanh tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo…

Khán giả sẽ không chỉ mãn nhãn tiết mục xiếc còn thưởng thức phần nghe từ những câu ca cải lương da diết. Vở diễn “Cây gậy thần” không chỉ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là vở diễn sáng tạo mang yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.

Vài năm trở lại, xu hướng kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện. Trước đó, vở diễn “Ngàn năm mây trắng” do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, ra mắt cuối năm 2019 đã gây tiếng vang lớn.

Đây cũng là vở diễn tiên phong kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau trong cùng một vở diễn, từ cải lương (làn điệu Chiêu quân, vọng cổ, Lý chiều chiều), hát chèo (lẩy Kiều, vỉa ngâm), hát xẩm (xẩm chợ, xẩm ba bậc), hay làn điệu trống quân trong hát văn Huế.

Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng xây dựng vở xiếc “Phù thủy đại chiến” có sự kết hợp với Ảo thuật gia Nguyễn Việt Hoàng thực hiện tiết mục ảo thuật với các màn đu dây trên không, nhào lộn, thăng bằng, tung hứng của các nghệ sĩ xiếc.

Có thể thấy, việc các đơn vị bắt tay để ra mắt các vở diễn kết hợp đang trở thành xu hướng mới của các loại hình sân khấu. Thế nhưng, việc kết hợp giữa xiếc và cải lương, giữa một môn giàu tính kỹ thuật, ngôn ngữ hình thể và tạp kỹ như xiếc với bộ môn kịch hát truyền thống như cải lương là một bước đi táo bạo.

Do đó, để các vở diễn thực sự bùng nổ cần rất nhiều yếu tố ngoài kinh phí là một kịch bản sáng tạo, mới mẻ. Ngoài ra, việc kết nối giữa 2 môn nghệ thuật có tính đặc thù riêng phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh vở diễn sân khấu hóa, kịch hóa nghệ thuật.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghe-thuat-xiec-ket-hop-cai-luong-lan-gio-moi-can-co-vu-215020.html