Nghệ thuật và vẻ đẹp của búp bê Nhật Bản

Triển lãm 'NINGYŌ: Nghệ thuật và vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản' trưng bày 67 mẫu búp bê giới thiệu sinh động và đầy đủ về nền văn hóa búp bê được nuôi dưỡng trong lịch sử lâu đời của xứ sở hoa anh đào.

Triển lãm lưu động “NINGYŌ: Nghệ thuật và Vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản” vừa khai mạc sáng 10/6/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 67 mẫu búp bê được trưng bày là sự giới thiệu sinh động và đầy đủ về nền văn hóa búp bê được nuôi dưỡng trong lịch sử lâu đời của Nhật Bản.

Triển lãm được chia thành 4 phần: Búp bê dùng để cầu nguyện cho trẻ em khôn lớn; Búp bê với vai trò tác phẩm nghệ thuật; Búp bê với vai trò nghệ thuật dân gian và Truyền bá văn hóa búp bê. Sự đa dạng của sản phẩm và sự khéo léo tinh tế trong việc chế tác, được vun đắp bởi tình yêu sâu sắc đối với búp bê chính là nét đặc trưng của văn hóa búp bê Nhật Bản.

Triển lãm giới thiệu toàn diện về văn hóa búp bê từ Katashiro và Amagatsu - được xem là nguyên mẫu của búp bê ở Nhật Bản, đến những con búp bê bản địa phản ánh về khí hậu và những giai thoại trên khắp đất nước, những con búp bê thay quần áo và những búp bê nhân vật làm theo tỷ lệ được đánh giá cao trên toàn thế giới.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 26/6/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Từ thời xa xưa, người dân Nhật Bản đã rất coi trọng những búp bê, dù thuở ban đầu, chỉ là những búp bê đơn giản. Người dân Nhật Bản gửi gắm vào những búp bê nhỏ nhắn ấy sự mạng và niềm tin lớn lao là bảo hộ cho trẻ em; nguyện cầu búp bê sẽ xua đi những xui rủi, bất hạnh trong đời sống; đồng thời mang đến những điều tốt đẹp, bình an, giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, hạnh phúc. Búp bê từ đó gắn liền với những phong tục, nghi lễ hay trong các sự kiện cầu nguyện cho trẻ em lớn khôn.

Dần dần theo thời gian, với tình yêu đối với búp bê, người dân Nhật Bản đã chế tác những búp bê phức tạp hơn với nhiều chi tiết tinh tế, cùng nhiều loại chất liệu và phụ kiện đi kèm.

Nổi bật trong số này có thể kể đến là búp bê Saga: Enmei fuku no Kami (Thần Phúc Thọ) tạo được ấn tượng với người xem khi bộ trang phục của búp bê có những chi tiết nhỏ, tinh xảo với lớp vàng lá và sơn, được giới thiệu là “một trong những búp bê sang trọng nhất trong số những búp bê Nhật Bản từ thời Edo (1603-1868)”. Hay như búp bê Isho: Maiko trong hình dáng cô gái biểu diễn các điệu múa trong các bữa tiệc truyền thống ở Kyoto, mặc trang phục đi chơi. Bộ trang phục, các phụ kiện trang trí trên mái tóc của búp bê Isho được làm một cách tỉ mỉ giống như trang phục, phụ kiện dành cho người thật, chỉ khác là được thu nhỏ lại cho phù hợp với dáng hình của búp bê...

Với sự kỳ công trong từng sản phẩm, mỗi một búp bê đã thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ở Nhật Bản, được giới thượng lưu và triều đình rất yêu chuộng.

Đối với người bình dân Nhật Bản, dù búp bê được làm bằng những chất liệu đơn giản hơn như: giấy, đất sét… nhưng không phải vì vậy mà thế giới búp bê kém phần sinh động và sặc sỡ.

Dù dành cho giới quý tộc hay bình dân, búp bê vẫn mang theo nhiều tình cảm yêu thương của người lớn dành cho con trẻ, từ đó nở rộ ở nhiều địa phương khắp đất nước mặt trời mọc.

Theo thời gian, búp bê dần xuất hiện trong các loại nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như: múa rối, sân khấu…

Ngày nay, những búp bê đương đại ở Nhật Bản cũng được chế tác một cách tinh xảo và sáng tạo, được nhiều trẻ em trên thế giới yêu thích.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-thuat-va-ve-dep-cua-bup-be-nhat-ban-2028863.html